Đây đều là những mắt xích quan trọng trong bố trí chiến lược của Mỹ ở khu vực. Chính biến đã và vẫn đang tiếp diễn tại Ai Cập khiến bà Clinton phải dành ưu tiên tạo dựng cân bằng quan hệ, cụ thể là cân bằng giữa 2 nước nói trên cũng như cân bằng giữa giới quân sự và phe Hồi giáo mới thắng thế ở Ai Cập.
Israel vốn luôn là đồng minh chiến lược của Mỹ. Nhưng Mỹ lại có quan hệ hợp tác quân sự và an ninh chặt chẽ với Ai Cập. Hiện tại, Washington là đối tác bên ngoài duy nhất có thể tác động, thậm chí gây áp lực tới giới quân sự của Cairo. Trong chuyến đi này, bà Clinton sử dụng ảnh hưởng ấy để thúc ép giới quân sự chấp nhận thực tại mới chứ không tranh giành quyền lực, đồng thời cũng thôi thúc chính thể mới hợp tác và cùng tồn tại chứ không đối đầu với giới quân sự.
Tương tự như vậy cho quan hệ giữa Ai Cập và Israel. Washington muốn duy trì cân bằng quan hệ, đặc biệt về chính trị an ninh, giữa 2 đồng minh, đối tác này. Chuyến thăm của bà Clinton khẳng định cam kết đảm bảo an ninh cho Israel, qua đó nhắc nhở chính thể mới ở Ai Cập tiếp tục duy trì hòa bình với nhà nước Do Thái trên cơ sở Hiệp ước Camp David năm 1979. Nhưng đồng thời Mỹ nhắc nhở Israel chấp nhận kết quả chính biến ở Ai Cập và xúc tiến gây dựng quan hệ hợp tác với chính thể mới ở nước láng giềng. Sự chấp nhận nhau như thế sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Mỹ trong khu vực.
La Phù
Bình luận (0)