Cần camera ở cơ quan công quyền

17/10/2018 05:53 GMT+7

Không ít vụ người bị thương, tử vong sau khi được công an phường, xã, thị trấn mời lên trụ sở làm việc...

... nếu có camera ghi hình tại trụ sở thì sẽ dễ dàng làm rõ mọi chuyện hơn, cũng như có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của cả hai phía.
Camera giám sát cả hai
Hơn 5 năm trước, Công an P.Bến Thành (Q.1, TP.HCM) vận động doanh nghiệp hỗ trợ lắp đặt camera tại khu vực trực ban hình sự, tiếp dân để phòng ngừa trường hợp người vi phạm, tội phạm đưa về đây đập phá đồ đạc, nhục mạ lực lượng thi hành công vụ, cố tình tự gây sát thương, rồi đổ cho công an... Một cán bộ của Công an P.Bến Thành (Q.1) cho biết, ngoài việc “tự bảo vệ mình”, Ban chỉ huy công an phường còn giám sát công tác thi hành nhiệm vụ cũng như thái độ tiếp dân của cán bộ chiến sĩ.
Theo đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng công an Q.1: “Việc lắp camera tại nơi tiếp dân, trực ban hình sự của công an các phường trên địa bàn quận là nằm trong chương trình cải cách hành chính của quận. Đến nay, nhiều công an phường lắp đặt camera tại trụ sở từ chương trình này hoặc đã được UBND phường, doanh nghiệp hỗ trợ lắp đặt trước đó. Việc lắp đặt camera vừa làm căn cứ phục vụ công tác điều tra thuận lợi hơn khi xảy ra vụ việc liên quan đến an ninh trật tự (ANTT); vừa giám sát, theo dõi cán bộ chiến sĩ để kịp thời xử lý, chấn chỉnh”.
Đại tá Trà Văn Lào, Trưởng công an Q.Gò Vấp, nhìn nhận: “Dự án lắp camera tại trụ sở công an phường do UBND quận triển khai hơn 1 năm. Tất cả các hoạt động đều ghi lại khi có sự cố liên quan đến ANTT; thái độ ứng xử, hành vi xâm hại của cán bộ chiến sĩ công an khi thi hành nhiệm vụ và ngược lại. Qua đó, sẽ trích xuất hình ảnh, làm rõ bản chất vụ việc khách quan hơn, hiệu quả hơn. Các camera tại công an phường được kết nối với hệ thống camera trung tâm đường phố của quận”.
Công an P.12, Q.5 cũng lắp camera tại phòng làm việc, đặc biệt là khu vực giữ đối tượng trong thời gian chờ xác minh làm rõ sự việc. Trung tá Trần Thế Dân, Trưởng công an P.19, Q.Bình Thạnh, cũng cho biết P.19 lắp đặt 8 camera tại trụ sở từ khá lâu. Công an Q.Bình Thạnh đã có chỉ đạo các trụ sở công an phường trên địa bàn quận phải lắp đặt camera. “Lắp đặt camera kết nối về điện thoại để giám sát, theo dõi 24/24, chỉ cần tại phường có sự việc gì thì lãnh đạo có thể quan sát được tất cả, từ thái độ người dân, thái độ cán bộ, thái độ các đối tượng được đưa về phường chờ xử lý, nhờ đó nhằm xử lý kịp thời, nhanh chóng”, trung tá Trần Thế Dân nói.
Chỉ đạo lắp camera tại trực ban hình sự
Được biết, sau khi vụ đặt vật nổ ở trụ sở Công an P.12 (Q.Tân Bình) xảy ra tháng 6.2018, Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an quận, huyện đẩy mạnh lắp đặt camera tại trụ sở công an phường, xã nhằm đảm bảo ANTT bên trong trụ sở công an. “Lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an TP.HCM lập dự án lắp đặt camera tại trực ban hình sự trụ sở công an phường, xã... Hiện đề án này đang được phòng nghiệp vụ Công an TP triển khai để báo cáo Bộ”, một cán bộ của Công an TP, cho biết.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu (chuyên gia tâm lý tội phạm) cho rằng: “Việc lắp đặt camera tại các trụ sở công an phường, xã là cần thiết, cấp bách. Bởi có camera sẽ theo dõi người ra vào để đảm bảo an toàn cho trụ sở, giám sát lực lượng thi hành công vụ (công an - PV), làm chứng cứ khi có vấn đề phức tạp xảy ra để phục vụ công tác điều tra”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Báu, nhiều lúc người dân đặt vấn đề nghi ngại, không tin tưởng về hình ảnh trích xuất từ camera vì camera này do lực lựng công an lắp đặt nên đặt vị trí có lợi cho công an, có lúc bị hư hỏng đúng lúc xảy ra vụ việc liên quan đến ANTT thì sao, hình ảnh có thể bị xóa do thời lượng lưu hình hạn chế… Do vậy, công an phải đưa ra quy chế hoạt động của camera rõ ràng như phải hoạt động thông suốt, thời lượng ghi hình đảm bảo lưu lại trong nhiều ngày...; thậm chí trong quá trình lắp đặt cho đến lúc nghiệm thu công trình phải mời các cơ quan chức năng như HĐND, UBND, Viện KSND... cùng cấp theo dõi giám sát để góp ý về vị trí lắp đặt camera cũng như các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo khách quan.
Vụ phụ nữ tử vong sau khi làm việc tại trụ sở công an
Nhận định ban đầu là tự sát
Chiều 16.10, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết vẫn đang điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết của bà Huỳnh Thị Nhung (45 tuổi, trú xã Ninh Sim, TX.Ninh Hòa). Trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Nguyễn Khắc Cường, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Theo nhận định ban đầu thì người này tự sát. Tất nhiên, đây chỉ là nhận định ban đầu, để xác định chính xác vẫn còn nhiều động tác nghiệp vụ và công an đang điều tra. Khi có kết luận cuối cùng, công an sẽ thông tin cho báo chí”. Đặt câu hỏi về việc trích xuất camera thì vụ việc sẽ rõ ràng, đại tá Cường cho biết: “Vấn đề là khu vực đó không có camera, chứ nếu có thì quá rõ. Hiện nay việc lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình mới chỉ triển khai trong trại giam, trong phòng hỏi cung, còn trường hợp này là tại phòng làm việc bình thường của cơ quan công an”.
Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 13.10, Công an TX.Ninh Hòa kiểm tra nhà nghỉ do bà Nhung làm chủ, phát hiện có đôi nam nữ đang mua bán dâm. Công an mời bà Nhung về trụ sở Công an TX.Ninh Hòa làm việc. Đến 21 giờ 40 cùng ngày, sau khi làm việc với bà Nhung, cán bộ điều tra ra ngoài báo cáo lãnh đạo. Khoảng 2 phút sau, một cán bộ công an khác đi qua phòng thì phát hiện bà Nhung tay cầm kéo, máu ở cổ chảy xuống. Bà Nhung được đưa đi cấp cứu, nhưng khoảng 22 giờ 15 thì tử vong.
Nguyễn Chung

Có camera, thái độ cán bộ tốt hơn
Theo lãnh đạo chính quyền, việc lắp đặt camera tại trụ sở làm việc còn nhằm tránh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu người dân đến làm việc.
Nhằm giám sát các hoạt động công vụ tại nơi giải quyết thủ tục hành chính và theo dõi công tác tiếp dân, các cơ quan hành chính nhà nước tại TP.HCM đã lắp rất nhiều camera tại trụ sở làm việc.
Ông Trần Phương Nam, Chủ tịch UBND P.12, Q.5, cho biết từ năm 2012 phường đã lắp đặt camera giám sát, giúp lãnh đạo quản lý giám sát được thái độ, cách làm việc của cán bộ khi tiếp dân... Kể từ khi lắp đặt camera, việc quản lý cán bộ, công chức, trật tự đô thị ở phường có nhiều thuận lợi hơn, bám sát hơn và xử lý tình huống kịp thời hơn.
Thông qua việc giám sát, ông Nam khẳng định rất hiệu quả trong việc quản lý. Nhờ đó cán bộ có thái độ ứng xử tích cực hơn. “Có camera cũng là cơ sở để khi người dân phản ánh hành vi tiêu cực trong công tác tiếp dân của cán bộ thì lãnh đạo ủy ban sẽ cho trích xuất camera để nhìn nhận, đánh giá đúng sự việc. Qua camera, thỉnh thoảng tôi cũng phải nhắc nhở cán bộ của mình”, ông Nam nhấn mạnh.

Nơi thực hiện, nơi chưa
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chính thức quy định bắt buộc ghi âm ghi hình trong hoạt động điều tra. Thông tư liên tịch 03/2018 cũng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đó, việc ghi âm, ghi hình sẽ được thực hiện trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đồng thời, toàn bộ kết quả ghi âm, ghi hình phải được bảo quản lưu trữ đầy đủ tại hệ thống máy chủ để đảm bảo an toàn, bí mật.
Cũng theo Thông tư liên tịch 03/2018, chậm nhất đến ngày 1.1.2020 thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử trên phạm vi toàn quốc.
Một lãnh đạo của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, hiện Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành có liên quan quyết định cụ thể các nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử.
“Theo thông tư liên tịch áp dụng đối với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, từ cấp huyện đến cấp bộ phải ghi âm, ghi hình trong khi hỏi cung. Công an xã không phải là cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử trên phạm vi toàn quốc cần phải có lộ trình, chậm nhất đến ngày 1.1.2020 phải thực hiện thống nhất. Đến nay đang trong quá trình thực hiện, bởi còn liên quan nhiều vấn đề như xây dựng phòng ốc, kinh phí...”, vị lãnh đạo nói.
Lãnh đạo Viện KSND TP.HCM cho biết, Viện rất muốn thực hiện lắp camera giám sát. Về kinh phí thì Thành ủy TP.HCM cũng có chủ trương hỗ trợ nhưng đang chờ ý kiến Viện KSND tối cao và văn bản thống nhất về quy chuẩn, kỹ thuật thiết bị ghi âm, ghi hình để thực hiện.
Cần lắp camera tại cơ quan điều tra, truy tố, xét xử
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng từ khi có quy định về ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đến nay ông chưa được tham gia một buổi làm việc, hỏi cung, lấy lời khai bị can nào mà có ghi âm, ghi hình. Cụ thể là tại 3 tỉnh thành mà ông có dịp làm việc là TP.HCM, Bình Dương và Đắk Nông. “Nhiều vụ án mà thân chủ của tôi kêu oan, tôi yêu cầu và đề nghị phải được ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung, lấy lời khai nhưng đều được điều tra viên trả lời là phòng hỏi cung chưa được trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình”, LS Quynh cho biết.
LS Hoàng Như Vĩnh (Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) cho biết ông đang bảo vệ cho một bị can trong vụ án kinh tế do Phòng An ninh điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý. “Từ sau khi khởi tố điều tra vụ án thì cơ quan an ninh đã mời LS tham gia quá trình tố tụng. Mỗi lần hỏi cung bị can thì cơ quan điều tra đều mời LS tham gia, và đều ghi âm, ghi hình. Trước khi ghi âm ghi hình thì điều tra viên đều hỏi ý kiến của bị can, nếu bị can nói thấy không cần thiết ghi âm ghi hình thì cơ quan an ninh không cần ghi âm, ghi hình. Nếu bị can đề nghị ghi âm ghi hình, hoặc thấy cần thiết thì mới ghi âm, ghi hình”, LS Vĩnh nói.
“Tôi đang làm nhiều vụ án ở nhiều đơn vị công an, nhưng mới chỉ có Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Nai là áp dụng ghi âm, ghi hình trong hỏi cung. Đó chính là bước tiến mới trong quá trình tố tụng nhằm giám sát chặt chẽ quá trình hỏi cung bị can của điều tra viên, góp phần chống bức cung, dùng nhục hình, làm giảm oan sai, bảo đảm quyền con người theo quy định của Hiến pháp, pháp luật”, LS Vĩnh nhấn mạnh.
Theo LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), khi hỏi cung, lấy lời khai bị can, nếu buổi làm việc được ghi âm, ghi hình thì việc hỏi cung thông thường các điều tra viên sẽ hỏi ngắn gọn, chỉn chu và đi vào trọng tâm vấn đề hơn. LS Tuấn khẳng định rằng ghi âm, ghi hình sẽ tốt hơn cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.