Sau khi Báo Thanh Niên ngày 10.3 đăng bài Dự án nâng cấp QL1: Hàng loạt đề xuất “vội”, nhiều bạn đọc cho rằng Bộ GTVT cần cân nhắc lại dự án (DA) này và phải có lộ trình phù hợp.
Phải công khai cho dân biết
Một DA lớn như vậy, phải công khai cho dân biết. Tôi ví dụ, hiện nay trên toàn tuyến QL1 có bao nhiêu trạm thu phí, phân loại các trạm sẽ chấm dứt thu từ năm nào, tổng vốn đầu tư DA là bao nhiêu, trong đó vốn đối ứng từ ngân sách (tức tiền thuế của dân) là bao nhiêu, còn lại bao nhiêu vốn của các nhà đầu tư và lộ trình thu phí trong bao nhiêu năm... DA này phải đưa ra xin ý kiến Quốc hội, có sự tư vấn của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học... Phải làm sao mỗi đồng phí của người dân bỏ ra họ phải biết vì mục đích gì.
Lê Quảng (lequang82@gmail.com)
Vai trò giám sát
Thông tư 90 quy định, mỗi trạm thu phí trên cùng tuyến đường phải cách nhau 70 km, nhưng trong thực tế nhiều trạm thu phí cách nhau chỉ 20-30 km là một sự vi phạm nghiêm trọng. Như vậy, có phải ta đang tự phá rào chính ta hay không? Đây là hình thức tận thu của nhà đầu tư, được nhà nước bật đèn xanh. Vậy thì vai trò giám sát của người dân, của Quốc hội ở đâu?
Ngọc Hiền (hienhoangngoc@yahoo.com)
Sao không thẩm định vốn?
Một DA lên đến hàng ngàn tỉ đồng mà không cần thẩm định vốn ư? Không thể lấy lý do là vì đầu tư gấp mà làm ẩu, làm liều. Việc bỏ qua công đoạn thẩm định vốn là một “chiêu” tránh né các cơ quan giám sát tài chính. Cứ nhìn những DA giao thông, có thẩm định vốn, có giám sát hẳn hoi mà làm xong là đường lại hư hỏng ngay, huống gì DA bỏ qua các công
đoạn. Nếu vốn bị đội lên, nhà thầu “chạy làng”, đường đang dang dở thì lúc đó kêu vốn ở đâu, và ai sẽ giám sát được nguồn vốn đó được sử dụng như thế nào?
Lê Hoàng Sơn (H.Nhà Bè, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Bình luận (0)