Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, công trình trùng tu điện Thái Hòa sắp hoàn thành sau 3 năm nỗ lực. Dự kiến, lễ khánh thành sẽ diễn ra vào ngày 23.11, nhân dịp kỷ niệm ngày Di sản Việt Nam. Công trình này nổi bật với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo, mang lại vẻ đẹp tráng lệ cho di tích.
Có mặt tại công trình những ngày cuối cùng của dự án, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục nghệ nhân và thợ lành nghề đang miệt mài làm việc. Mỗi nét vẽ, mỗi lớp vàng đều được tỉ mỉ chăm chút, mang đậm dấu ấn tinh hoa của nghệ thuật xứ cố đô.
Trùng tu Điện Thái Hòa không chỉ đơn thuần là tái hiện một công trình kiến trúc, mà còn là hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nhóm thợ sơn son thếp vàng đang trùng tu điện Thái Hòa do nghệ nhân Phan Cảnh Quang Thuận (51 tuổi, ở P.Thủy Biều, TP.Huế) phụ trách. Ông Thuận là học trò của cố họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế, họa sĩ sơn mài, đã nghiên cứu quy trình phục chế sơn son thếp vàng và cũng là người đảm trách nhiều công trình trùng tu di tích cố đô Huế trước đây. Ông Thuận theo học nghề sơn son thếp vàng với họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng từ năm 20 tuổi. Đến nay, ông có hơn 30 năm gắn bó với nghề và cũng như một cơ duyên để gắn bó với di tích Huế.
Quy trình sơn son thếp vàng điện Thái Hòa rất nghiêm ngặt
Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích Huế, cho biết quá trình phục chế các cấu kiện gỗ để trùng tu di tích phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Sơn son thếp vàng cần phải có những vật liệu truyền thống chính, gồm sơn ta (sơn lấy từ nhựa cây sơn của núi rừng Bắc bộ) cùng các vật liệu như vàng quỳ, bạc quỳ, bột màu, nhựa thông, dầu trẩu, dầu hỏa, vải trắng, giấy nhám, keo epoxy, bột gỗ xay mịn, bột đá…
Cụ thể, sơn sống sau khi được đánh thành sơn chín sẽ lọc qua lớp vải để lọc cặn bã nhằm loại bỏ tạp chất. Sơn sau đó tiếp tục được pha với bột màu sơn mài, nhựa thông, dầu trẩu và dung môi dầu hỏa theo tỷ lệ đánh tiếp thành sơn son (dùng cho sơn son và thếp vàng, thếp bạc). Gỗ sau khi đã qua công đoạn xử lý bảo quản phòng mối mọt, vệ sinh bề mặt cấu kiện gỗ, tít kẹt bằng keo epoxy.
Sau đó, sơn lớp lót bằng sơn ta lần 1 để sơn hút sâu vào từng thớ gỗ, tạo sự liên kết bề mặt gỗ với các lớp sơn sau này. Sau khi lớp sơn này khô thì đến công đoạn bó vải chống nứt gỗ, tạo bề mặt đều và nhẵn, bảo vệ các lớp sơn sau này (áp dụng với cột, liên ba vách ván không chạm).
Hệ thống liên ba và các cấu kiện khác thì được thực hiện bó vải 1 lần. Các cấu kiện cột được thực hiện bó vải 2 lần, sau đó quét thêm lớp sơn ta lần nữa tạo lớp liên kết cho lớp sơn hom tiếp theo. Sau khi bó vải, tiếp tục quy trình hom bằng hỗn hợp sơn ta, bột đá, bột gỗ để làm phẳng bề mặt cấu kiện, lấp đầy những khuyết lõm, chống co giãn cho lớp hoàn thiện, gắn kết chặt các khe hở... Sau khi bó vải, họa xong, thợ bắt đầu sơn lót. Sau lớp sơn lót là đến phần sơn thí, làm nền để chuẩn bị lên lớp sơn màu hoàn thiện.
Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa tại Đại nội, Huế khởi công ngày 23.11.2021. Sau khi khởi công, điện Thái Hoà đã được hạ giải toàn bộ để tiến hành trùng tu tổng thể.
Dự án gồm các hạng mục chính: tu bổ, gia cường nền móng, phục hồi nền lát gạch, bậc cấp đá Thanh, tường gạch với màu sắc nguyên trạng và chi tiết kiến trúc khác; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán và các đồ nội thất khác; gia cường, cân chỉnh toàn bộ sân nền, hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can và các hạng mục vườn cây, tiểu cảnh, hạ tầng kỹ thuật... Dự án được đầu tư với hơn 128 tỉ đồng (gồm ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn huy động khác).
Bình luận (0)