Cận cảnh kế hoạch chinh phục sao Hỏa trong 100 năm của SpaceX

Thu Thảo
Thu Thảo
04/11/2018 14:13 GMT+7

Hãng không gian vũ trụ SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk có kế hoạch rõ ràng cho việc chinh phục Hỏa tinh, biến nó thành "Trái đất" từ nay cho đến thế kỷ 22.

Theo Business Insider, vào năm 2002, ông Musk thành lập hãng tên lửa SpaceX với ý tưởng chinh phục sao Hỏa. Tỉ phú Mỹ khi đó thất vọng vì Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) không nỗ lực hơn để đưa con người lên Hỏa tinh. Đây vốn được xem là kế hoạch dự phòng cho nhân loại trong tương lai xa, phòng trường hợp Trái đất biến thành mảnh đất hoang không thể sống nữa.
Từ đó đến nay, SpaceX phát triển một số hệ thống hàng không vũ trụ ấn tượng như: Tên lửa quỹ đạo đầu tiên Falcon 1, tên lửa thử nghiệm tự hạ cánh nhỏ Grasshopper, tên lửa quỹ đạo tái sử dụng Falcon 9, tàu vũ trụ chở hàng hóa và con người Dragon và tên lửa hạng nặng Falcon Heavy..
Sao Hỏa là hành tinh lạnh, không khoan nhượng, gần như không có không khí và cách Trái đất hơn 225 triệu km. Việc hạ cánh tàu vụ trũ nhỏ tại đó hôm nay giúp tàu vũ trụ chở đầy người và hàng hóa đáp xuống đó ngày mai. Những năm qua, SpaceX huy động ngày càng nhiều tiền và nguồn lực để chế tạo phương tiện không gian tên Big Falcon Rocket (BFR).
Hệ thống BFR tái sử dụng được và cao 118 mét. Nó gồm hai phần khổng lồ: Một phần Big Falcon Spaceship và phần đẩy ở dưới là Big Falcon Booster. Phần đẩy sẽ phóng tàu vũ trụ vào không gian rồi tự hạ cánh để tái sử dụng. Đến nay, ông Musk cho hay BFR là phần khó nhất trong hệ thống và là thứ mà SpaceX dồn sức phát triển.
Dưới đây là cụ thể khung thời gian mà SpaceX vạch ra cho tham vọng chiếm Hỏa tinh của loài người, bắt đầu từ năm nay. Giai đoạn sau vẫn còn mang tính dự đoán.
Năm 2018: Xây dựng cơ sở hỗ trợ phóng tại Boca Chica, thị trấn gần Brownsville, bang Texas. SpaceX cần nơi để thử nghiệm nguyên mẫu tàu vũ trụ và mũi phía nam Texas, nơi ít người sinh sống, thích hợp. Tên lửa cũng có thể được phóng từ Vịnh Mexico để ít gây nguy hiểm cho người và vật trên đất liền. Trong ảnh là tên lửa Big Falcon gồm phần đẩy và phần thân. Ảnh: Business Insider
Năm 2019: Ra mắt tàu vũ trụ Big Falcon. SpaceX kỳ vọng phóng thử nguyên mẫu Big Falcon vào cuối năm 2019 để thu thập dữ liệu có giá trị trên bản nguyên mẫu này và thực hiện điều chỉnh phiên bản tiếp theo. Ảnh: Google Earth
Năm 2020 - 2021: Cố gắng khởi động BFR, đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo. Tàu sẽ được chuyển đến Texas, lắp ráp và phóng. Dù vậy, ông Musk lại cho biết SpaceX chưa có quyết định cuối cùng về khung thời gian cho BFR. Ảnh: SpaceX
Năm 2022: Khởi động hai nhiệm vụ lên sao Hỏa chở hàng hóa, vật tư, không chở người. Mỗi tàu sẽ bay vào quỹ đạo quanh Trái đất rồi hết nhiên liệu. Sau đó, một số tàu không gian chở hàng khác sẽ được phóng lên, tiếp thêm nhiên liệu cho phương tiện bay đến Hỏa tinh. Sao Hỏa và Trái đất di chuyển đến gần nhau mỗi hai năm một lần, và thời điểm đẹp nhất để phóng có thể là mùa hè 2022. Ảnh: SpaceX
Năm 2022 - 2023: Hạ cánh tàu không gian Big Falcon trên sao Hỏa. Ông Musk muốn các tàu vũ trụ đầu tiên chở đầy hàng hóa, máy móc mà những nhiệm vụ không gian tương lai sẽ cần. Đây là những thứ mà con người cần để xây dựng cơ sở tạo năng lượng, nước, đóng chai không khí mỏng trên sao Hỏa, biến tài nguyên hiếm hoi thành nhiên liệu methane và oxy cho hành trình quay lại Trái đất. Trong ảnh là hình vẽ cảnh thân tàu BFR tách khỏi phần phóng. Ảnh: SpaceX
Năm 2023: Đưa người đầu tiên lên BFR, bay vòng quanh Mặt trăng. Trong tháng 9, ông Musk giới thiệu vị khách đầu tiên trả tiền đi du lịch vũ trụ: Tỉ phú người Nhật Yusaku Maezawa. Ông Maezawa mua tất cả chỗ ngồi trên tàu và dự định chọn 6-8 nghệ sĩ bay vòng quanh Mặt trăng trong một tuần cùng mình. Trên đây là hình vẽ cảnh BFR hạ cánh trên sao Hỏa. Ảnh: SpaceX
Năm 2024: Chuẩn bị đưa người lên sao Hỏa lần đầu tiên. Nếu nhiệm vụ đưa hàng hóa, nguồn cung lên đó tiến triển tốt, hai phi hành gia bay lên vào năm này. Ảnh: SpaceX
Năm 2025: Đặt cơ sở trên sao Hỏa. Các tàu vũ trụ đầu tiên có thể làm nhà ở tạm cho các phi hành gia. Ảnh: SpaceX
Năm 2028: Hoàn thành Mars Base Alpha, căn cứ vĩnh viễn đầu tiên trên sao Hỏa. Cơ sở này sẽ bắt đầu với hạ tầng cơ bản nhất - chỉ là cơ sở tạo nhiên liệu với một nhà máy điện và các vòm để trồng cây - sau đó phát triển thành cơ hội để kinh doanh. Trong ảnh là nhiều tàu Big Falcon đậu trên sao Hỏa. Ảnh: SpaceX
Khoảng thập niên 2030: Xây dựng thành phố đầu tiên trên sao Hỏa. Thời điểm thực hiện bước này được đồn đoán ngay từ đầu, song đến nay nó vẫn phần nhiều là tưởng tượng. Nhiều chuyên gia còn nghi ngờ về công nghệ cần thiết để con người tồn tại được trên sao Hỏa, nên chuyện xây thành phố vĩnh viễn với họ là viễn vông. Dù vậy, đây chính xác là những gì ông Musk muốn làm. Ông tính đưa khoảng 1 triệu người đến sao Hỏa, với giá vé một chiều là 200.000 USD và mường tượng cuộc sống tương lai ở đó cũng tiện nghi không kém Trái đất với tiệm pizza, quán bar. Ảnh: SpaceX
Những năm 2100 trở đi: Biến khí hậu Hỏa tinh giống Trái đất. Trong mỗi bài đăng tuyển nhân viên, SpaceX đều cho hay hãng theo đuổi “mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện cho sự sống con người trên sao Hỏa”. SpaceX muốn sao Hỏa biến thành một nơi ấm và ẩm, phù hợp hơn cho cuộc sống vĩnh viễn của con người. Sao Hỏa có ít hơn 1% mật độ khí quyển của Trái đất, và NASA rất hoài nghi về khả năng biến đổi khí hậu, không khí sẽ bền vững để loài người cư ngụ lâu. Ảnh: SpaceX
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.