Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
25/12/2024 15:11 GMT+7

"Với bàn tay khéo léo, con người đã làm cho đất nở hoa. Hoa không chỉ nở từ đất, mà từ trên các tác phẩm gốm sứ chọn làm biểu trưng cho các tiết mùa xuân, hạ, thu, đông, tạo nên chu kỳ vận động của trời đất để vạn vật sinh sôi nảy nở và phát triển", TS Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM chia sẻ.

Sáng 25.12 tại TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã khai mạc trưng bày chuyên đề Hoa nở từ đất – hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông, với nhiều hiện vật quý, thể hiện tinh hoa văn hóa và nghệ thuật có từ nghìn năm trước. 

"Kho báu" cổ vật gồm hơn 150 hiện vật gốm với phần lớn là các hiện vật gốm của Việt Nam, có niên đại trải dài từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20, lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng bài bản và quy mô nhất từ trước đến nay.

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 1.

Đĩa Chu Đậu từ thế kỷ 15

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 2.

Trong nghệ thuật trang trí gốm sứ, mẫu đơn thường kết hợp với các loài chim để tạo thành các đồ án hoa văn như “mẫu đơn – chim công”, “mẫu đơn – phượng hoàng”, “mẫu đơn – chim trĩ” thể hiện sự cao quý của phụ nữ hoàng tộc hay sự hiển vinh trong sự nghiệp

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 3.

Gốm Chu Đậu Việt Nam thế kỷ 15

Ảnh: QUỲNH TRÂN

Các hiện vật quý gồm gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm Chu Đậu thời Lê, gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất dưới thời Nguyễn…, tất cả được sắp xếp theo 4 chủ đề chính:

Hoa mùa xuân trên gốm sứ. Hình ảnh của 3 loại hoa là hoa mai, hoa đào và hoa mẫu đơn luôn là đề tài được sử dụng để chuyển tải cảnh sắc rực rỡ của mùa xuân. Các loại hoa này trên đồ gốm đều được thể hiện đang nở rộ, căng tràn sức sống và còn được tô điểm thêm bằng các con vật như chim, bướm, ong… bay dập dìu.

Hoa mùa hạ trên gốm sứ. Đại diện cho mùa hạ có hoa sen và hoa lan, trong đó hoa sen được thể hiện có phần phong phú và đa dạng hơn: lúc thì đặc tả một hoa sen đang nở, khi thì là một khóm sen hay đôi lúc chỉ là những hình sen cách điệu đơn giản. Bên cạnh đó, hoa lan cũng được sử dụng trang trí trên một số hiện vật, đặc biệt là dòng gốm Chu Đậu.

Đến tham quan phòng trưng bày ở loại hình gốm sứ Việt Nam, chúng ta sẽ thấy hình ảnh hoa sen xuất hiện khá phổ biến trên các dòng gốm men ngọc – thời Lý mang màu sắc triết lý Phật giáo, men hoa nâu – thời Trần, men xanh trắng – thời Lê đến thời Nguyễn đặc biệt là gốm Chu Đậu sen được vẽ cách điệu, khi xanh trắng, khi ngũ sắc tạo nên tác phẩm vô cùng độc đáo.

Hoa sen cũng xuất hiện trong một số thành ngữ như "bộ bộ sinh liên" miêu tả từng bước chân bước đi như hoa sen nở, ví von sự xinh đẹp dịu dàng của người con gái xinh đẹp hay "xuất thủy phù dung", đẹp như đóa hoa sen từ trong nước vươn lên. 

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 4.

TS Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (giữa) và khách mời cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề Hoa nở từ đất – hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông

Ảnh: QUỲNH TRÂN

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 5.

Bát Trung Quốc thế kỷ 19

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 6.

Choé Trung Quốc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20

Trên nghệ thuật gốm sứ, hoa sen thường được kết hợp với các biểu tượng khác như sen – uyên ương, biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi, hay sen – cua, sen – vịt, những hình ảnh biểu trưng cho sự thành công và đỗ đạt. Điều này cho thấy hoa sen không chỉ là một loài hoa đẹp được yêu thích mà còn là một biểu tượng của sự thịnh vượng và hạnh phúc trong đời sống. 

Hoa mùa thu trên gốm sứ. Loài hoa duy nhất gắn với mùa thu đó là hoa cúc. Do đó trên sản phẩm gốm sứ, hoa cúc được khai thác tối đa với kỹ thuật chế tác và phong cách mỹ thuật rất đa dạng: Có những chiếc bát được chạm khắc bằng những đường xuyên tâm để tạo ra họa tiết cánh hoa cúc cả bên trong lẫn bên ngoài. Hay một số chiếc bình, chiếc ấm với bề mặt được vẽ họa tiết dây hoa cúc trải dài, tạo nên cảm giác vừa nhẹ nhàng, thanh thoát vừa cân đối chặt chẽ, tự nhiên và gần gũi.

Trong truyền thống văn hóa phương Đông, hoa cúc thường được tái hiện trên những hình thức nghệ thuật điêu khắc, hội họa, gốm sứ… với ý nghĩa biểu trưng cho sự trường tồn, bất tử. Có lẽ đây là một biểu tượng có tính điển hình, riêng biệt mà chúng ta sẽ không tìm thấy ở những loài cây cao quý khác.

Hoa mùa đông trên gốm sứ. Gắn với mùa đông là hai loài cây có phần đặc biệt, đó là tùng và trúc. Trên đồ gốm sứ, hình ảnh của hai loài cây này có thể xuất hiện ở dạng đơn lẻ hoặc kết hợp. Nếu ở dạng đơn lẻ, mỗi loại cây sẽ được nghệ nhân thể hiện theo những phong cách khác khác nhau. Trên nghệ thuật gốm sứ, hình ảnh tre/trúc xuất hiện trên các loại hình gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, gốm men xanh trắng.

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 7.

Đĩa gốm men ngọc Việt Nam thế kỷ 11 - 13

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 8.

Bát gốm men ngọc Việt Nam thế kỷ 11 - 13

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 9.

Âu gốm men ngọc Việt Nam thế kỷ 11 - 13

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 10.

Các hiện vật quý thu hút người xem 

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 11.

Gốm sứ Nhật Bản men nhiều màu thế kỷ 19

Cận cảnh 'kho báu' cổ vật nghìn tuổi tại TP.HCM- Ảnh 12.

Thạp gốm Việt Nam men hoa nâu thế kỷ 13 - 14

Trong khi đó, tùng thường được kết hợp với các biểu tượng khác để truyền tải nhiều thông điệp khác:

Tùng – hạc: biểu tượng cho mong ước về một cuộc sống thanh bình và trường thọ. Hạc, loài chim thanh cao và được xem là linh vật, kết hợp với cây tùng tăng thêm phần trang nhã và ý nghĩa tinh thần. Tùng – lộc: cây tùng kết hợp với nai "lộc" trong tiếng Trung Hoa mang nghĩa giàu có, tượng trưng cho sự giàu sang, thịnh vượng và trường thọ. Tùng – trúc – mai: còn gọi là "tam hữu" hoặc "tuế hàn tam hữu", tượng trưng cho tình bạn bền chặt, cùng nhau vượt qua những nghịch cảnh trong điều kiện khó khăn. Ba loài cây này thể hiện phẩm chất cao quý, đồng thời là biểu tượng của khí phách và đức tính người quân tử.  

Chuyên đề Hoa nở từ đất – Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông diễn ra từ ngày 25.12 đến hết ngày 31.3.2025 tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.