Năm 1986, nhà nước ta quyết định thực hiện Đổi mới nhưng Pháp lệnh về nhà ở được ban hành (6.4.1991) vẫn chưa thoát khỏi tư duy bao cấp về nhà ở. Cơ chế giải quyết cũng có chuyển sang phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm nhà ở.
Thời điểm tạo bước ngoặt quan trọng trong tư duy phát triển nhà ở là Nghị định 61/CP (tháng 7.1994) về mua bán và kinh doanh nhà ở. Tư duy phát triển nhà ở đã chuyển từ cực "Nhà nước bao cấp về nhà ở" sang "Nhà ở được giải quyết chỉ bằng cơ chế thị trường". Từ đó, chính sách phát triển thị trường nhà ở dựa hẳn vào các dự án khu đô thị, dự án nhà ở với mong muốn đưa hệ thống đô thị nước ta đi lên thẳng hiện đại. Mặc dù vậy, thị trường vẫn chưa tạo được nguồn cung nhà ở đáng kể, nguồn cung chủ yếu vẫn là nhà ở tự xây của các hộ gia đình, cá nhân.
Luật Nhà ở ngày 29.11.2005 với quy định về nhà ở công vụ và nhà ở xã hội và luật Kinh doanh bất động sản ngày 29.6.2006 nhằm hướng tạo khung pháp lý chủ yếu cho thị trường nhà ở thương mại. Các dự án nhà ở phát triển mạnh, nhưng nhà ở xã hội vẫn chưa có cơ hội phát triển. Phải đến năm 2009, Chính phủ mới có quyết định phát triển nhà ở xã hội - từ gói kích thích kinh tế - khoảng 1 tỉ USD.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến năm 2015 cả nước chỉ xây dựng được 118.380 căn hộ từ các dự án nhà ở xã hội (tổng diện tích sàn khoảng 7,5 triệu m2), trong khi tổng diện tích sàn cần đáp ứng khoảng 138,8 triệu m2. Như vậy, nhà ở thực tế xây dựng được theo dự án nhà ở xã hội chỉ đạt 5,4% tổng nhu cầu.
Nhưng vấn đề là trên thực tế, nhiều dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành mà không thu hút được người thuộc diện chính sách vào ở vì lý do không gian ở không phù hợp. Đa số người có thu nhập thấp, sinh viên, công nhân vẫn muốn thuê nhà ở tại các khu dân cư do người dân địa phương kinh doanh. Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ về chính sách phát triển nhà ở hiện nay.
Một điều nữa cần vượt qua là phải đặt các dự án nhà ở xã hội vào cơ chế thị trường, lựa chọn chủ đầu tư cũng phải qua đấu thầu dự án mà các trợ giúp của nhà nước được coi như các điều kiện ưu đãi. Động lực phát triển cần trao cho thị trường. Hơn nữa, vấn đề nhà ở cho người nghèo vẫn còn để lửng ở phía trước mà dự thảo luật Nhà ở chưa động tới. Chúng ta cần quan tâm tới chính sách khuyến khích cộng đồng người nghèo tự vươn lên, trợ giúp lẫn nhau để từng bước giải quyết quyền có nhà ở cho mình. Chính sách phù hợp là cái "cần câu" nhà ở mà người nghèo muốn có, họ cũng thích "con cá" nhà ở được nhận, nhưng nhà nước không thể có đủ cá để phát. Nếu cứ cố như vậy thì chúng ta lại quay trở lại nguyên vẹn cơ chế nhà nước bao cấp nhà ở.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ
>> Xử lý cán bộ sử dụng không đúng mục đích nhà ở xã hội
>> Cho người nước ngoài mua nhà ở VN: Chuyên gia khổ vì thuê nhà
>> Cho người nước ngoài mua nhà ở VN: 'Tháo' hết cỡ để hút vốn ngoại
>> 500.000 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở
>> Số lượng người có công cần hỗ trợ nhà ở tăng đột biến
Bình luận (0)