Chất độc trong măng và củ mì tên là acid cyanhydric, có vị đắng, khi ăn phải sẽ gây ngộ độc với các dấu hiệu: co giật, sùi bọt mép, hôn mê, loạn nhịp tim và ngừng tim, khó thở, nếu nặng sẽ dẫn đến tử vong trong tình trạng tím tái toàn thân.
Tuy nhiên nếu biết chế biến thì sẽ an toàn. Đối với củ sắn (củ mì): cần loại bỏ lớp vỏ có màng tim tím bên ngoài vì hàm lượng acid cyanhydric rất cao ở lớp vỏ này (màu càng tím thì hàm lượng acid cyanhydric càng cao), sau đó ngâm vào nước khoảng 30 phút và rửa sạch bằng nước lạnh vài lần rồi hãy luộc. Người ta thường luộc cả vỏ và trẻ nhỏ rất thích ăn lớp vỏ ngoài này vì dòn nên rất dễ bị ngộ độc. Cũng có một số người dùng lá sắn để luộc hay nấu canh và đã ngộ độc vì trong lá sắn cũng chứa loại acid này. Loại lá sắn có màu tím dễ gây ngộ độc hơn loại màu trắng.
Đối với măng: có nhiều loại măng như măng tre, măng trúc, măng tây... Nếu dùng khô hay muối chua thì rất an toàn vì loại bỏ được acid cyanhydric, nhưng nếu dùng tươi thì phải hết sức cẩn thận vì acid cyanhydric nằm trong toàn bộ củ măng chứ không phải chỉ ở phần vỏ bên ngoài. Măng càng đắng thì hàm lượng acid cyanhydric càng cao. Cách chế biến: sau khi bóc các bẹ măng, cần gọt bỏ phần vỏ bên ngoài rồi ngâm vào nước sạch, rửa nhiều lần rồi thái mỏng và luộc đi luộc lại nhiều lần, mục đích là để loại bỏ acid cyanhydric (khi nào nếm thử lát măng không còn vị đắng là được). Nếu dùng dạng khô hay muối chua thì rất an toàn, vì acid loại bỏ gần như hoàn toàn. Măng các loại đều có tỷ lệ chất xơ (cellulose) rất cao nên có tác dụng nhuận trường và có tác dụng làm hạ hàm lượng cholesterol trong máu. Vì vậy ở những bệnh nhân có hàm lượng cholesterol trong máu cao thường ăn măng, vì đây cũng là một biện pháp giảm cân và hạ cholesterol hiệu quả.
Tuy nhiên bất cứ một loại “thuốc” hay một loại thực phẩm nào cũng đều có hai mặt tốt và xấu cho nên cần tìm hiểu kỹ tác dụng, tác hại của chúng trước khi dùng.
Bảo Trân
Bình luận (0)