Việc nhiều học giả Trung Quốc lợi dụng những bài nghiên cứu khoa học để chèn yêu sách đường lưỡi bò vào các tạp chí quốc tế đã bị cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới phản đối.
Để việc phản đối của chúng ta đạt hiệu quả - tức ngăn chặn đường lưỡi bò xuất hiện trên các tạp chí khoa học, theo chúng tôi không thể chỉ đơn thuần gửi thư cảnh báo hay phản đối đến ban biên tập như lâu nay mà cần có cách làm phù hợp với thông lệ bài báo khoa học. Theo đó, mỗi khi phát hiện đường lưỡi bò “len lỏi” vào các bài báo, thiết nghĩ cần gửi một bài phản đối dưới dạng “Rebuttal” (bác bỏ) tới ban biên tập, trong đó đưa ra những phân tích với “tang chứng vật chứng” cụ thể và khoa học. Trong bài cần đề nghị phủ nhận các bản đồ có đường lưỡi bò đã xuất bản, đồng thời yêu cầu rút bản đồ phi lý này ra khỏi bài báo phiên bản online cũng như bản in sau đó.
|
Mới đây, vào ngày 29.10, chúng tôi đã gửi bài “Rebuttal” đến Ban biên tập tạp chí Environmental Earth Sciences Journal (EESJ) để phản đối việc đường lưỡi bò xuất hiện dày đặc trên tạp chí này. Theo thống kê sơ bộ, từ tháng 7-10.2011, có khoảng 10 bài viết đăng trên EESJ của các tác giả Trung Quốc có chèn đường lưỡi bò. Sau khi nhận được bài “Rebuttal” của chúng tôi, Tổng biên tập EESJ là GS James W. LaMoreaux đã hứa sẽ xem xét kỹ vấn đề này.
EESJ là tạp chí được nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn để công bố những công trình cho một khu vực địa lý nhất định với nội dung bao trùm mọi lĩnh vực về tương tác lẫn nhau giữa con người và môi trường địa lý. Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn đang đối mặt nhiều vấn đề môi trường phát sinh từ tăng trưởng kinh tế nóng. Thực trạng này là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học nên các bài viết về nước này xuất hiện khá nhiều trên EESJ và đường lưỡi bò có cơ hội “ăn theo” từ đó. Tuy nhiên, trong tháng 11 không thấy xuất hiện đường lưỡi bò trong tạp chí này. Có thể vì ban biên tập đã kiểm soát chặt hơn sau khi nhận được bài bác bỏ của chúng tôi.
TS Trần Ngọc Tiến Dũng
(INRS-ETE, Québec, Canada)
Bình luận (0)