Gần đây gặp một số vụ tai nạn giao thông người ta lại tỏ vẻ dửng dưng trước tính mạng nạn nhân, vì sao?
|
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện Khoa học xã hội Việt Nam nói, phần lớn ra đường đều gặp người tốt, một vài lần ông Mai bị tai nạn đều được người dân giúp đỡ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số người tỏ thái độ thờ ơ. Ông Mai kể: Cách đây chừng 5 năm tôi đi bộ trên vỉa hè phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bất ngờ bị một chiếc xe máy tông từ phía sau, khiến tôi ngã xuống và bị gãy tay. Lúc đó người điều khiển xe máy đâm vào tôi lập tức rồ ga đi khỏi hiện trường, nhiều người dân đã chở tôi đến bệnh viện để băng bó vết thương.
Cách đây vài năm, ở các vùng quê, khi phát hiện người gặp nạn người dân lập tức đưa đi cấp cứu và tìm cách chặn phương tiện gây tai nạn. Thời gian gần đây, người ta không muốn mất thời gian về những việc không liên quan tới mình, đặc biệt là tâm lý ngại tiếp xúc với cơ quan chức năng.
Bởi có những trường hợp “làm phúc phải tội” khi đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng vì quá nặng người ta đổ trách nhiệm lên người đã cưu mang giúp đỡ. Có trường hợp người đưa nạn nhân đi cấp cứu trở thành nhân chứng bắt đắc dĩ và họ rất ngại mỗi khi cơ quan điều tra gọi đến làm việc.
Có lẽ cơ quan chức năng cần đến gặp gỡ hơn là gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập đối với nhân chứng, như vậy sẽ phần nào cải thiện được thái độ thờ ơ với người bị nạn.
Nhiều người có lòng tốt, song nghĩ đến khoản tiền này, khoản tiền khác phải chi trả nên bỏ đi. Một số tài xế taxi khi nhìn thấy người bị nạn còn né tránh vì sợ phải đưa nạn nhân đi cấp cứu vì không biết ai sẽ thanh toán tiền cước cho mình.
Cụ thể, vụ tai nạn xảy ra ngày 10-7, trong lúc điều khiển xe máy BKS 74H2-8038 lưu thông trên QL1A theo hướng cầu vượt Linh Xuân về trường Đại học Nông Lâm TPHCM, một nam thanh niên bất ngờ gặp nạn té xuống đường nằm thoi thóp. Rất đông phương tiện lưu thông qua lại nhưng ai cũng nhìn qua rồi bỏ đi.
Tại hiện trường một số vụ tai nạn, người tham gia giao thông thường vây quanh để thỏa mãn trí tò mò hoặc hỏi tên tuổi để “đánh” lô, đề, đua nhau thả hoặc nhặt tiền lẻ mà không đoái hoài đến người bị nạn.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá An Thanh Bình, Phó Trưởng Công an quận Hoàng Mai - Hà Nội nói, với các vụ tai nạn giao thông xảy ra nơi đô thị, người ta giục nhau đi cho nhanh, nên có nhân chứng nhìn thấy tận mắt sự việc nhưng không thể dừng lại để làm chứng mà thường lại là những người xe ôm, hay bán hàng nước… Những người này có thể chỉ nghe loáng thoáng, nên gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Tâm lý người dân sợ phiền phức, rắc rối khi gặp cơ quan điều tra. Thực tế, với chúng tôi, nhân chứng không chỉ là ân nhân bảo vệ lẽ phải cho người bị nạn mà họ cũng là ân nhân khi hợp tác cung cấp thông tin chính xác cho cơ quan điều tra.
Đối với nhân chứng ở gần địa bàn xảy ra vụ việc, chúng tôi gửi giấy mời xin lịch hẹn để làm việc; đối với những nhân chứng ở xa, chúng tôi sẽ đến tận nơi để làm việc.
Vì vậy khi tham gia giao thông nếu có gặp các trường hợp tai nạn, người tham gia giao thông nên hỗ trợ cứu giúp người bị nạn, như thế họ sẽ là ân nhân của cả người bị nạn và cả cơ quan chức năng.
Theo Minh Đức / Tiên Phong
Bình luận (0)