Xu thế nhập tịch cầu thủ hoặc khuyến khích cầu thủ có gốc gác dân tộc trở về khoác áo đội tuyển quê cha, mẹ hoặc ông bà của mình hiện nay đang phổ biến toàn cầu. Nhưng tại khu vực Đông Nam Á và châu Á, nhiều đội tuyển áp dụng đến nay vẫn cho ra những kết quả khác nhau, có cả thành công và thất bại.
Trung vệ Elias Dolah, cao 1,96 m của Thái Lan trở về từ Thụy Điển, chơi rất nổi bật tại AFF Cup 2020 |
AFP |
Rầm rộ nhập tịch
Ở khu vực Đông Nam Á, 5 đội tuyển có thành phần cầu thủ nhập tịch gốc ngoại 100% hoặc có gốc gác kiều bào nhiều nhất là Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Singapore. Tuy nhiên, tham vọng vươn tầm ra châu lục của các đội tuyển này bằng nhập tịch ngoại binh hoặc dòng máu kiều bào mỗi nơi vẫn làm một kiểu. Như tuyển Malaysia mời gọi cầu thủ Mã kiều về đã có những người phát huy tốt khả năng, nhưng việc mở rộng chọn cầu thủ ngoại thì lại gây tranh cãi. Như cầu thủ gốc Brazil, Guilherme de Paula bị đánh giá là vô dụng và già cỗi (đã 35 tuổi), trong khi Mohamadou Sumareh (gốc Gambia) sau thành công ở AFF Cup 2018 đã từ chối dự AFF Cup 2020 chỉ vì lý do gia đình. Còn lại những nhân tố nhập tịch khác như Dion Cools (Bỉ), Quentin Cheng (Úc) hay Junior Eldstal (Thụy Điển) vẫn đóng góp rất hạn chế… Kết quả cuộc điều tra nội bộ sau đó càng khiến dư luận nước này đề nghị FAM chỉ nên nhập tịch cầu thủ gốc Mã thực sự và xem xét kỹ lưỡng kế hoạch nhập tịch cầu thủ ngoại.
Tuyển Singapore sau thời của những Qiu Li (Trung Quốc), Aleksandar Duric (gốc Nam Tư cũ) hay Daniel Bennett (Anh), hiện nay cũng có cầu thủ Song Ui-young (Hàn Quốc), nhưng cũng chỉ thường thường bậc trung. Xu hướng của Singapore bây giờ cũng thiên về tìm kiếm các tài năng thể thao có bố hoặc mẹ là người Singapore để định hướng lâu dài, tránh để đội tuyển mang quá nhiều dòng máu khác. Tuyển Philippines do nội lực bóng đá trong nước không mạnh đã sử dụng nguồn lực cầu thủ có gốc gác rất nhiều ở nước ngoài mà nổi tiếng nhất là thủ môn Neil Etheridge (Anh). Gần đây đội tuyển nữ đã “tây hóa” bằng cách nhập tịch các cầu thủ nữ gốc Philippines đang chơi bóng ở nước ngoài và họ đã “lột xác”, đánh bại cả Thái Lan lẫn Đài Loan để giành vé dự World Cup 2023.
Tuyển Thái Lan vẫn ưu tiên khuyến khích và tạo điều kiện cho các CLB Thai League nhập tịch hoặc chiêu mộ cầu thủ có gốc gác trở về thi đấu trong nước. Như Thanawat Sungjitthavorn, 22 tuổi. Đây là tiền vệ đang khoác áo đội trẻ Leicester City. Hoặc trước đó là hậu vệ Tristan Do Manuel Bihr, Ernesto Phumipha, Philip Roller... Nhất là Elias Dolah, cầu thủ người Thái gốc Thụy Điển, sở hữu chiều cao ấn tượng 1,96 m. Trong trận thắng 2-0 trước Singapore ở lượt trận cuối bảng A AFF Cup 2020, Dolah đã đóng góp 1 bàn thắng và nhiều lần giải nguy cho đội nhà. Ernesto Phumipha, Philip Roller... đều gắn kết thành một thể với những đồng đội người Thái, chơi với lòng kiêu hãnh và vô địch một cách xứng đáng.
VĐV Cốc Ái Lăng mang 2 dòng máu Trung Quốc - Mỹ thi đấu tại Olympic mùa Đông 2022 |
Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 cũng ghi nhận số VĐV được sinh ra ở nước ngoài thi đấu cho Trung Quốc đông chưa từng thấy, trong đó nhiều người đến từ Bắc Mỹ. Đội khúc côn cầu nam của Trung Quốc chỉ có 6/25 thành viên là công dân sinh ra và lớn lên ở nước này. Ngôi sao trượt tuyết Cốc Ái Lăng, tên tiếng Anh là Eileen Gu, có mẹ người Trung Quốc và bố người Mỹ, biệt danh “công chúa tuyết” cũng được Trung Quốc gọi về thi đấu và cô đã chứng tỏ được khả năng khi giành HCV.
Thành công tại Trung Quốc, nữ vận động viên trượt tuyết gốc Mỹ Eileen Gu kiếm tiền "khủng" cỡ nào? |
Phải thực sự khát khao
Nền bóng đá kiêu hãnh và có tiếng “bảo thủ” như Nhật Bản trong quá khứ từng nhập tịch những ngôi sao Brazil như phương án ngắn hạn để cải thiện thực lực, trong lúc chờ hái quả từ chính sách đào tạo và xuất ngoại cầu thủ trẻ. Tuyển Trung Quốc muốn “đi tắt, đón đầu” đã ồ ạt nhập tịch dàn cầu thủ Brazil như Elkeson, Alan Carvalho, Aloisio, Fernando Henrique, Ricardo Goulart. Nhưng sau trận thua tuyển VN 1-3 ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, những ngôi sao này đều chia tay các CLB, bỏ về quê nhà Brazil mà không hẹn ngày trở lại. Đây là ví dụ rõ nét cho thấy việc vung tiền nhập tịch những ngoại binh triệu phú đã quen được chiều chuộng không đồng nghĩa sẽ đem đến thành công ngay lập tức.
Chuẩn bị cho World Cup 2022 tổ chức trên sân nhà, đương kim vô địch Asian Cup 2019 Qatar có chính sách nhập tịch cầu thủ dài hơi: đào tạo cầu thủ ngoại - đa số từ châu Phi - từ nhỏ, trước khi nhập tịch để thi đấu cho đội tuyển. Tiền đạo số 1 tuyển Qatar hiện nay, Almoez Ali sinh ra ở Sudan, nhưng được lò Aspire lừng danh (cũng từng sang VN) phát hiện từ nhỏ và đưa về Qatar đào tạo. Anh này từng đá cho U.23 Qatar đối đầu Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải... ở giải U.23 châu Á 2018, trước khi thi đấu cho tuyển quốc gia Qatar. Ở tuổi 25, Almoez Ali chỉ còn kém vỏn vẹn 2 bàn so với kỷ lục cầu thủ ghi nhiều bàn nhất lịch sử tuyển Qatar của Mubarak Mustafa (39 so với 41 bàn). Tại World Cup 2022 tại Qatar, Almoez Ali sẽ là ngôi sao được kỳ vọng nhất của đội chủ nhà. Nhờ ở Qatar từ nhỏ, nên Almoez Ali có tư duy và lòng tự hào về màu cờ sắc áo không kém bất kỳ cầu thủ Qatar bản địa nào.
Tuyển UAE cùng khu vực cũng tăng cường sức mạnh với các cầu thủ ngoại khi đối đầu với tuyển VN tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Những cái tên như Fabio Lima, Caio Canedo (Brazil) hay Sebastian Tagliabue (Argentina) đều chứng minh được tài nghệ sau nhiều năm chơi tại giải UAE Pro League. Những ví dụ này minh chứng nhập tịch cầu thủ ngoại đúng cách và tận dụng dòng máu ngoại kiều vẫn là xu thế chung, nhất là khi những nền bóng đá lớn và kiêu hãnh nhất như Ý, Đức, Pháp... đều không đứng ngoài dòng chảy. Điểm chung cho những thành công là công tác sàng lọc tuân theo các điều kiện khắt khe về mặt chuyên môn. Đặc biệt, những cầu thủ nhập tịch phải cho thấy việc coi quê hương thứ 2 là Tổ quốc của mình thật sự, không phải chỉ vì tiền và thiếu khát khao, động lực cống hiến.
Cần tận dụng nguồn lực
Theo thống kê đã công bố, VN có tổng cộng 5,3 triệu kiều bào trải rộng khắp 130 quốc gia và lãnh thổ trên toàn cầu. Rõ ràng tiềm năng lực lượng cầu thủ nói riêng và VĐV thể thao mang dòng máu Việt trên thế giới là rất lớn. Những ngôi sao như Filip Nguyễn, Jason Quang Vinh Pendant, Daniel Prochazka hay Alexander Huỳnh... đều chảy trong mình dòng huyết quản Việt. Họ thực sự rất tài năng, được định giá cả triệu euro và đặc biệt thực tâm muốn cống hiến cho bóng đá VN. Chuyên gia Đoàn Minh Xương bày tỏ: “Trước xu hướng chung không thể đảo ngược, Bộ VH-TT-DL và Bộ Tư pháp cũng cần kết nối chặt chẽ, từng bước mở cánh cửa một cách hợp lý để những dòng máu Việt khắp thế giới có thể về nước cống hiến. Khi xét duyệt nhập tịch cho ngoại binh hoặc cầu thủ Việt kiều, trước hết phải đánh giá năng lực của họ có thể tạo ra một cú hích tốt cho tuyển quốc gia hay không. Đặc biệt, họ phải thực sự khát khao cống hiến cho VN. Nhà nước nên đặc biệt xem xét nới lỏng và điều chỉnh các quy định để tận dụng tối đa năng lực cống hiến của các cầu thủ. Năng lực này phụ thuộc đánh giá của hội đồng HLV và HLV trưởng đội tuyển quốc gia vì có người thấy phù hợp, nhưng người khác lại không. Về phần mình, Bộ
VH-TT-DL, Tổng cục TDTT và VFF cần đề cao sức hút thể thao VN nói chung và bóng đá nói riêng để khuyến khích các VĐV Việt kiều tìm về. Trong quyền hạn của mình, VFF có thể điều chỉnh quy chế các hệ thống giải quốc gia, cho phép các CLB đăng ký cầu thủ nước ngoài có cha mẹ, ông bà là người VN được chơi như cầu thủ nội. Một khi cánh cửa về nước được mở ra, các cầu thủ Việt kiều có thể về chơi ở giải quốc nội để VFF, ban huấn luyện đội tuyển tận mắt đánh giá năng lực. Điều này có thể áp dụng ở giải vô địch quốc gia nữ, cũng là cách tăng thêm sức hút cho giải đấu và kêu gọi thêm nhà tài trợ”.
Cần đơn giản hóa thủ tục
Chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành nói: “Càng ngày việc nhập tịch để thi đấu thể thao là điều khá phổ biến trên toàn thế giới, hầu như nơi nào cũng áp dụng dựa trên nguyên tắc phải đảm bảo tốt nhất về chuyên môn, phải thực sự có ước vọng cống hiến cho đất nước sẽ nhập tịch và tốt nhất vẫn là người có gốc gác thì mới thực sự cảm thấy có động lực để phấn đấu. Nhưng ở VN, việc mời gọi VĐV người Việt quay về nhập tịch để cống hiến cho quê hương, tận dụng tài năng được đào tạo và phát triển ở môi trường chuyên nghiệp nước ngoài của họ chưa nhiều, đôi khi còn quá nhiều thủ tục rườm rà khiến việc đóng góp của họ nhiều khi bị nguội lạnh. Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có những thay đổi mang tính tích cực hơn trong việc “trải thảm đỏ” để các tài năng xa xứ quay về hết lòng, hết sức với đất nước. Muốn vậy, cần xem lại các thủ tục sao cho đơn giản hơn, cái gì bỏ được, điều chỉnh được thì nên tạo điều kiện cho gia đình và cá nhân các tài năng thể thao này cảm thấy việc quay về của họ được thuận lợi hơn, cửa rộng hơn. Thái Lan chỉ trong thời gian ngắn mà họ có đến 6 - 7 trường hợp ở nước ngoài về tăng thêm sức mạnh cho đội tuyển là do những cách đánh giá đúng, có lộ trình nhanh, rõ ràng. VN nên làm sao để không lãng phí những nguồn lực Việt kiều như thế nữa”.
T.K (ghi)
Bình luận (0)