PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cho biết, nếu theo mức thuế tối thiểu dự kiến thu khi áp dụng Luật Thuế môi trường là 14.300 tỉ đồng/năm và mức tối đa khoảng 57.000 tỉ đồng/năm thì chia trung bình cho 40 triệu dân thuộc lực lượng lao động, thuế môi trường sẽ là 1.425.000 đồng/người/năm, lớn hơn hoặc bằng 7 tháng thu nhập của người thuộc diện nghèo đói nông thôn và 5 tháng rưỡi thu nhập của người nghèo đô thị VN (tỷ lệ nghèo đói VN năm 2010 phấn đấu còn 20% - khoảng 17 triệu người).
Ông Hòe cũng dẫn ý kiến các đại biểu từng tham gia thảo luận về dự luật thuế này tại các tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc… rằng dự luật này chưa đưa ra được căn cứ cụ thể để tính thuế, cụ thể là chưa đánh giá được mức độ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường của sản phẩm làm cơ sở cho việc tính thuế nên thiếu tính thuyết phục.
Ông đơn cử, đối với nhiên liệu đốt, thuế suất nhiều hay ít phụ thuộc vào hàm lượng khí thải CO2, SO2 thải ra, thế nhưng dự luật quy định mức thuế suất đối với xăng (vốn có hàm lượng lưu huỳnh gần như bằng không) lại cao hơn dầu mazut vốn có hàm lượng lưu huỳnh lên tới 3%.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cũng cho rằng, thuế suất như dự thảo luật đề xuất là hơi cao và không có cơ sở.
Ông đặt giả thiết: Nếu chúng ta đánh thuế nhằm có nguồn tiền bù đắp thiệt hại ô nhiễm nhưng tính mức độ thiệt hại rất khó khăn. Còn nếu thu với mục đích giảm ô nhiễm môi trường thì trong trường hợp mua xăng về không phải để đi mà để pha sơn, rửa thiết bị nào đó… chẳng hạn thì sẽ thu kiểu gì? Làm sao thu cho thuyết phục?
Nhiều đại biểu nhận xét, Luật Thuế môi trường chưa làm rõ mục đích thu thuế môi trường dùng vào việc gì: Để hạn chế hành vi gây ô nhiễm hay để tăng thu ngân sách?
TS Hòe đề nghị số tiền thuế môi trường thu được nên sử dụng cho mục đích bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường.
Nguyệt Minh
Bình luận (0)