Giữa tháng 8, ba khía ở chợ huyện Duyên Hải, Long Hữu và TP Trà Vinh của tỉnh Trà Vinh có giá cao, 25.000 - 40.000 đồng/kg (tùy kích cỡ), nhưng không phải lúc nào cũng có. Ba khía chết thường được các chủ vựa làm mắm (ba khía muối), hiện cũng khan hiếm và đắt: Loại 20 - 25 con/kg có giá 25.000 - 30.000 đồng/chục (14 con), cao gấp ba lần trước đây.
Ông Phạm Văn Vinh ở ấp Phước Thiện, xã Đông Hải (Duyên Hải, Trà Vinh) có hơn 25 năm bắt ba khía. Ông nói: “10 năm trở về trước, từ con nước rằm trở đi, một người với một cái đèn bình trên đầu, đi vài tiếng vào rừng ven biển sẽ bắt được cả bao tải ba khía. Thời điểm ba khía hội, chỉ đến một gốc cây mắm, đước là có thể gom được cả chục ký. Bây giờ, không còn nữa”.
Ba khía tại một cơ sở thu gom ở xã Đông Hải - Ảnh: Diệu Hiền |
Ông Phan Thanh Hồ, chủ cơ sở chuyên thu gom ba khía ở xã Đông Hải, cho biết: “Gia đình tôi làm nghề gần chục năm nay. Mấy năm trước, từ tháng 7, tháng 8 âm lịch cho đến gần Tết nguyên đán, vào con nước, ba khía rất nhiều, giá bán 5.000 - 6.000 đồng/kg. Mấy năm nay, ba khía ít dần. Năm nay, lượng thu gom ngày nhiều cũng chỉ bằng 20 - 30% trước đây”.
Ba khía có hương vị đặc biệt; người dân ĐBSCL quen chế biến thành các món dân dã như nấu canh chua cơm mẻ, hấp, luộc chấm muối ớt chanh hay rang me thậm chí ăn sống. Mấy năm nay, ba khía được tiểu thương mua, chở đi những chợ lớn, các đô thị bán tươi cho nhà hàng, quán ăn.
Chị Nguyễn Thị Bé, tiểu thương ở chợ Bạch Đằng (TP Trà Vinh), chuyên mua ba khía từ huyện ven biển để bán cho các quán nhậu. Chị cho biết, lượng ba khía hiện có bao nhiêu nhà hàng, quán nhậu mua bấy nhiêu, đặt mỗi ngày. Theo chị Bé, nhiều người tiêu dùng cũng rất ưa ba khía vì chế biến được nhiều món ăn khoái khẩu, nên càng khan hiếm.
Kỹ sư Lữ Minh Tâm, cán bộ phụ trách thủy sản ở xã Đông Hải, phân tích, nghề nuôi tôm sú khiến nhiều người dân vùng ven biển phá rừng, đào ao, làm mất cân bằng sinh thái và ba khía không còn nơi để sinh sản. Ông Đào Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải, nhớ lại: Những năm 1997, 1998, ba khía ở đây nhiều vô kể, người dân địa phương chủ yếu bắt để đập nhuyễn nuôi tôm, cua, cá. Ông Chính thở dài: “Nay ba khía không đủ để cho người ăn, không khéo vài năm nữa sẽ hết”.
Năm 2008, Bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản của Trường Đại học Cần Thơ bước đầu thành công trong việc nuôi vỗ ba khía mẹ sinh sản và ương nuôi ấu trùng ba khía. Việc nghiên cứu vẫn tiếp tục để xây dựng quy trình sản xuất ba khía giống.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)