Tại cuộc tọa đàm: “Khả năng phục hồi thị trường bất động sản” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 9.5, ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), đưa ra những con số tồn kho gây quan ngại. Ở thời điểm 31.3.2013 so với cuối năm 2012, lượng căn hộ chung cư tồn kho tăng 20%, tương đương tăng thêm 33.852 căn hộ; đất nền tăng 3%, tương đương hơn 1 triệu m2. Con số 3%, theo ông Thiện nhìn có vẻ thấp nhưng với đất nền đó là vô cùng lớn về mặt giá trị.
|
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng vào ngày 24.1, thống kê tại 50 địa phương cho thấy nhà ở tồn kho 42.230 căn, 92.800 m2 sàn văn phòng cho thuê, 98.407 m2 sàn trung tâm thương mại, 7,9 triệu m2 đất nền nhà ở, 1,9 triệu m2 đất thương mại khác. Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỉ đồng, trong đó giá trị tồn kho BĐS ở TP.HCM là 30.000 tỉ đồng, Hà Nội hơn 14.000 tỉ đồng. Điều đáng lo hơn cả, theo ông Thiện, số liệu trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì thống kê mới căn cứ trên BĐS đã hình thành, hoàn thành chưa bán được, còn số lượng các dự án do người dân đóng góp vốn nhưng chưa triển khai thì không được đưa vào; một số dự án giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư hạ tầng cũng không được tính. “Chúng tôi chỉ gọi tạm là hàng tồn, số này lớn hơn rất nhiều lượng tồn kho đã báo cáo”, ông Thiện nói.
Độ trễ trong triển khai chính sách
Tham dự tọa đàm, TS Phan Hữu Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS, cho rằng nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là nhiều giải pháp được đưa ra nhưng lại triển khai quá chậm. Đơn cử, Chính phủ ra Nghị quyết 02 từ đầu năm yêu cầu một số vấn đề cần làm ngay như gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, nhưng theo TS Thắng giờ vẫn chưa xong. “Cần phải xem lại độ trễ trong thực hiện chính sách và trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Bởi có nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhưng các bộ, ngành triển khai chậm...”, ông Thắng phát biểu.
Đánh giá thêm về các giải pháp tháo gỡ hiện nay, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng các biện pháp mới chỉ tập trung đẩy cung cho khu vực BĐS giá thấp, mà chưa giải phóng được hàng tồn kho cho khu vực giá trung bình, giá cao. Ông đề xuất: “Để tăng giao dịch cho thị trường, ngoài tăng cung cho khu vực giá rẻ, cần đồng thời giải phóng hàng cho khu vực giá cao trung bình bằng cách xử lý nợ xấu, xử lý hàng tồn”.
Trước thắc mắc về gói tín dụng 30.000 tỉ đồng bị chậm, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, cho biết gói này được đưa ra phải tính đến cung tiền, lạm phát nên cần cân nhắc. Đặc biệt, vì phải minh bạch cho nhiều đối tượng nên cần hướng dẫn chi tiết, không thể ban hành sớm trong 1-2 tháng. Tuy nhiên, lãnh đạo vụ này khẳng định trong 1-2 ngày tới NHNN sẽ chính thức ban hành, sau khi chốt lại với Bộ Xây dựng vào chiều ngày 8.5. Theo đó, lần này người mua nhà sẽ được hỗ trợ lãi suất 6%/năm trong 3 năm đầu, thời hạn vay kéo dài trong 10 năm, thậm chí lãi suất 3 năm sau đó còn có thể được hạ thấp hơn nữa, tùy theo tín hiệu thị trường. “Lẽ ra thì cho vay 15-20 năm nhưng vì ngân sách có hạn, nên không thể làm theo các quốc gia khác”, ông Mạnh khẳng định.
Ông Vũ Xuân Thiện cũng cho biết thông tư hướng dẫn đối tượng nào được vay vốn, thu nhập bao nhiêu được vay… sẽ được ban hành ngay sau khi NHNN cho ra đời thông tư hỗ trợ cho vay mua nhà. “Hiện nay đã soạn thảo xong và đang trình Bộ trưởng, tôi tin rằng nó sẽ được ban hành trong một ngày không xa”, ông Thiện nói.
Doanh nghiệp mong được giảm chi phí xây dựng
Tại cuộc tọa đàm, ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng HUD 3, đề nghị Nhà nước nên giảm chi phí đầu tư xây dựng để doanh nghiệp (DN) có điều kiện giảm giá thành. Bởi hiện có 6 yếu tố tạo nên giá thành: Thứ nhất, tiền đền bù GPMB. Thứ hai, nguyên vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng). Thứ ba, chi phí quản lý đầu tư xây dựng. Thứ tư, chi phí lãi vay. Thứ năm là chi phí tiền sử dụng đất, và chi phí cuối cùng là quản trị, chi phí DN. Trong 6 yếu tố trên, theo ông Sơn, chi phí đầu tư xây dựng chiếm nhiều nhất, tới 30% tổng cơ cấu giá thành BĐS, gồm nhiều loại chi phí “con” như: chi thẩm định dự án 1-2%, chi lập dự án 1-2%, chi thiết kế kỹ thuật cũng từ 1-2%. Ngoài ra, chi tiền sử dụng đất và chi GPMB thời gian qua cũng đã tăng mạnh, kéo theo giá thành tăng rất cao. “Muốn giá BĐS thấp, cung cầu cân bằng nhau, cần chính sách tổng thể liên quan đến việc giảm chi phí GPMB, chi phí quản lý đầu tư xây dựng. Các bộ nên nghiên cứu sớm giảm các loại chi phí này để DN giảm được giá bán BĐS”, ông Sơn đề xuất.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Chính, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hibrand Việt Nam, cho rằng nhà nước dùng nhiều cách để khuyến khích mở rộng nhu cầu nhưng DN vẫn không thể bán được hàng. Chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, giảm trần tiền gửi xuống 6,5%/năm nhưng người dân vẫn chưa tiếp cận bất động sản. Theo ông Chính, vấn đề hiện nay không chỉ giải quyết phân khúc thu nhập thấp, mà phải giải quyết được hàng tồn kể cả phân khúc trung, cao cấp. Đặc biệt, cần nhanh chóng xử lý nợ xấu. “Lãi suất hỗ trợ 6% năm mà chỉ có 3 năm thì khách hàng chúng tôi không thể nào dám vay để mua được, ai biết được sau 3 năm đó sẽ tăng lên là bao nhiêu?”, ông nói.
Đã cho chuyển đổi 31.000 căn hộ Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, tính đến tháng 4.2013, các cơ quan quản lý đã đồng ý cho phép 50 chủ đầu tư dự án chuyển đổi 31.000 căn hộ từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Còn theo NHNN, dư nợ cho vay BĐS tính đến 31.3.2013 đạt 230.951 tỉ đồng, tăng 1,1% so với cuối 2012. Đà Nẵng có mức tăng cao nhất 11,8%, Hà Nội 3,4%, TP.HCM tăng 2,5%. Trong đó, xây dựng sửa chữa, mua nhà để bán cho thuê tăng 3,7%. Xây dựng sửa chữa mua nhà để kết hợp cho thuê mà nguồn không trả bằng tiền lương cũng tăng 3,7%. |
Anh Vũ
Bình luận (0)