Đó là ý kiến của PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), khi trả lời PV Thanh Niên ngày 23.5. Theo ông Khuê, quan điểm trên hết là các phương án nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho người bệnh được khám, chữa bệnh (KCB).
Phân công cho các đơn vị đầu ngành
Tuy nhiên, ông Khuê lưu ý danh sách thuốc dựa trên cơ sở đề xuất của các bệnh viện (BV) về thuốc, mặt bệnh, số lượng và Cục đã đề nghị các BV khẩn trương có báo cáo nhu cầu thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung. Đây có thể là các thuốc điều trị ngộ độc do các độc tố gây ngộ độc nặng; thuốc mới trong điều trị ung thư; thuốc điều trị một số bệnh hiếm gặp, ít gặp.
Ông Khuê cho hay: "Dự kiến, việc dự trữ các thuốc hiếm theo hướng phân công cho các đơn vị đầu ngành làm đầu mối. Ví dụ, BV Nhi T.Ư sẽ chịu trách nhiệm về thuốc hiếm với chuyên ngành nhi, không chỉ điều trị tại BV này mà khi các BV khác cần cho các ca bệnh nhi thì BV Nhi T.Ư có trách nhiệm hỗ trợ thuốc, chuyên môn".
Tại các miền Bắc, Trung, Nam, việc điều phối thuốc hiếm sẽ phân công cho các BV đầu ngành như BV Bạch Mai (Hà Nội), BV T.Ư Huế (Thừa Thiên-Huế), BV Chợ Rẫy (TP.HCM) làm đầu mối. Bộ Y tế, trực tiếp là Cục Quản lý KCB, Cục Quản lý dược, các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ để việc tiếp nhận, sử dụng, phân bổ thuốc hiếm được kịp thời, nhất là trong tình huống cần thiết, khẩn cấp.
Ông Đỗ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết thêm về giải pháp căn cơ, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hiếm, thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng và Thủ tướng đã đồng ý, chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Trong các giải pháp thực hiện, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội; đặc biệt là có cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn, do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.
Trên thực tế, một số thuốc hiếm nhu cầu sử dụng ít, nên quan trọng là khi thiếu phải có cơ chế dự trữ để đảm bảo đáp ứng ngay. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo phải xây dựng ngay cơ chế để đảm bảo nguồn cung. Từ tháng 12.2022, Cục Quản lý dược đã đề nghị cơ sở điều trị lập dự trù; từ đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kế hoạch mua sắm và dự trữ trong năm, thuốc càng hiếm càng cần chủ động dự trù và lên kế hoạch sớm.
Chủ động đảm bảo nguồn thuốc
Theo Bộ Y tế, để giúp các cơ sở KCB chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm đáp ứng nhu cầu điều trị của cơ sở, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có. Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh và hiện đang được quy định tại Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30.8.2019 của Bộ Y tế (danh mục hiện tại gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có).
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế để đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm. Trong đó, về đăng ký thuốc, áp dụng ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh. Ngoài ra, cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở KCB; đồng thời cho phép chuyển nhượng các thuốc này giữa các cơ sở KCB.
Bộ Y tế cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng đối với một số thuốc hiếm. Trong đó, khó khăn trước tiên là do hiện việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở KCB theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm). Ngoài ra, thực tế ghi nhận, một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.
Bộ Y tế cho biết đang triển khai xây dựng danh mục thuốc hiếm, thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hằng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này. Bộ Y tế đã chủ động báo cáo, đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4.3 là giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện tại, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nội dung trên, dự kiến đề xuất một số cơ chế. Trong đó có cơ chế đặc thù về tài chính như: bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở KCB chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; có giải pháp, cơ chế để các cơ sở KCB có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Một bệnh nhân ngộ độc botulinum ở TP.HCM tử vong
Ngày 25.5, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định TP.HCM thông báo, nam bệnh nhân (BN) 45 tuổi ngụ TP.Thủ Đức (TP.HCM) được chẩn đoán ngộ độc botulinum vì ăn một loại mắm để lâu ngày đã tử vong sau 10 ngày điều trị.
Trước đó, tối 15.5, BV Lê Văn Thịnh chuyển BN đến BV Nhân dân Gia Định trong tình trạng lơ mơ, sụp mi mắt, yếu cơ hô hấp, yếu cơ tứ chi và được đặt nội khí quản thở máy. Kết quả lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán BN ngộ độc botulinum, type A, đây là type rất nặng, nguy cơ tử vong cao. BN diễn tiến suy hô hấp phải thở máy, sụp mi mắt, yếu tứ chi, cơ hô hấp, sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, kèm mạch nhanh và huyết áp tụt dần. Đây là các biến chứng nặng do độc tố đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ. BN được hồi sức tích cực chuyên sâu, nhưng không đáp ứng điều trị và tử vong vào tối 24.5.
Trong khi đó, 3 BN nghi ngộ độc botulinum là trẻ em đang điều trị tại BV Nhi đồng 2, trong đó có 2 em nặng đang thở máy. BV Nhi đồng 2 cũng đang hội chẩn xem có tiếp tục sử dụng thuốc giải độc botulinum cho 2 em này hay không. Còn 2 BN là người lớn điều trị tại BV Chợ Rẫy cũng đã quá thời gian chỉ định sử dụng thuốc giải độc, 2 BN thở máy, cơ thể bị liệt. Cả 5 BN này đều ở TP.Thủ Đức, ăn bánh mì chả lụa.
Cùng ngày, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, các cơ quan chức năng đã lấy 15 mẫu bánh mì, chả lụa (mẫu còn lại của người ăn, người bán và cơ sở sản xuất) để xét nghiệm tìm độc tố botulinum. Kết quả đều âm tính (không phát hiện vi khuẩn botulinum). Các cơ quan chức năng đang xem xét xử lý cơ sở làm chả lụa không phép trên địa bàn TP.Thủ Đức.
Bình luận (0)