Cần Đước: Văn hóa công vụ làm phong phú văn hóa địa phương

28/04/2023 09:00 GMT+7

Cần Ðước là huyện điểm, điển hình về văn hóa của tỉnh Long An với những giá trị di tích lịch sử văn hóa, ẩm thực, làng nghề truyền thống, đặc biệt là con người với tính “mở và gắn kết cộng đồng”.

Vùng đất hội tụ những nét văn hóa "mở"

Năm 2010, UBND tỉnh Long An ban hành đề án xây dựng Cần Đước thành huyện điểm, điển hình về văn hóa của tỉnh với 31 tiêu chí rất khắt khe để địa phương tập trung đầu tư xây dựng, phát triển toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cần Đước: Văn hóa công vụ làm phong phú văn hóa địa phương - Ảnh 1.

Đường quê Cần Đước hôm nay

Sau 5 năm thực hiện, Cần Đước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng các tiêu chí ngày càng được nâng lên, được tỉnh quyết định công nhận là huyện điểm, điển hình về văn hóa. Cùng với đó là quá trình đầu tư xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) với sự chung tay góp sức của người dân. Đến nay, 16/16 xã được công nhận xã NTM, nhiều xã được công nhận là xã NTM nâng cao. Hiện nay, Cần Đước đã hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp thẩm quyền công nhận huyện NTM.

Người Cần Đước nổi tiếng với nghề mua bán trên ghe (thương hồ) từ hơn 100 năm trước. Nổi tiếng đến mức mỗi khi nhìn thấy những chiếc ghe có mắt to, tròn được vẽ bằng các màu đỏ, đen, trắng ở khắp vùng sông nước miền Tây, Sài Gòn - Gia Định và nhiều tỉnh Đông Nam bộ khác thì người ta biết ngay đó là ghe của "dân Cần Đước". Theo nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa, kiểu vẽ mắt ghe này thể hiện "khí phách hiên ngang", sẵn sàng khám phá, giao thương, giao lưu học hỏi và đối xử tử tế, công bằng với người khác... của dân thương hồ quê Cần Đước. Nghề đi ghe của người Cần Đước là một biểu hiện rõ nét cho tính linh động và tính "mở" trong cộng đồng cư dân.

Nhờ sự siêng năng và sáng tạo nên những người đi ghe ở Cần Đước được xem là những thương lái biết buôn bán "2 chiều" đầu tiên của thương hồ khu vực miền Nam hồi đầu thế kỷ 20. Cụ thể là họ lấy các sản phẩm nông sản miền Tây bán về TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương rồi lấy gốm sứ, nhôm, nhựa, chén kiểu… nơi này để đem về các tỉnh miền Tây bán lại. Các hoạt động khác trong đời sống của thương hồ Cần Đước như hôn phối, giao lưu tiếp thu chọn lọc văn hóa, đối nhân xử thế... thể hiện rõ nét về sự hòa nhập và xây dựng văn hóa cộng đồng.

Cuối thế kỷ 20, khi các ghe gỗ hết thời do nhiều nguyên nhân khách quan thì phẩm chất sáng tạo, ham học hỏi của người Cần Đước lại phát huy mạnh mẽ để vùng đất này trở thành nơi đóng sà lan sắt có quy mô lớn bậc nhất tại khu vực miền Tây hiện nay.

Cần Đước: Văn hóa công vụ làm phong phú văn hóa địa phương - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng (thứ 4 từ trái sang) kiểm tra việc thực hiện các dự án theo quy hoạch phát triển của huyện

Ảnh: B.B

Ngoài tài nguyên quý giá nhất là con người thì Cần Đước còn là nơi gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng của Nam bộ như Nhà Trăm Cột (xã Long Hựu Đông) - một công trình kiến trúc theo kiểu nhà Rường ở Huế đã tồn tại hơn 100 năm; đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ) - nơi thờ Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, một ông tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Ngoài ra, vùng đất này còn nhiều danh thắng khác như: đồn Rạch Cát, chùa Phước Lâm, đình Tân Chánh, Lăng mộ ông Nguyễn Khắc Tuấn…

Văn hóa ẩm thực Cần Đước với nhiều đặc sản trứ danh như gạo Nàng Thơm chợ Đào, lạp xưởng Cần Đước, khô cá dứa và bánh in ở xã Long Hựu Đông; bánh xèo, bánh tráng, dưa gang muối, thủy sản (cá, tôm, ếch tự nhiên), các loại mắm (biển, chua, ruốc, còng)... Các món đặc sản này đã từng gây "nhung nhớ" cho du khách, dù chỉ một lần thưởng thức.

Tăng hàm lượng văn hóa trong công vụ

Theo quy hoạch phát triển đã được phê duyệt, H.Cần Đước được chia thành

‎3 tiểu vùng là vùng dọc theo QL50 (bao gồm thị trấn Cần Đước và một phần của các xã Phước Đông, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây) là vùng có điều kiện để ưu tiên phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và du lịch; Vùng bắc trục động lực (TL 827) là vùng ưu tiên phát triển công nghiệp và nông nghiệp; Vùng nam QL50 là vùng ưu tiên phát triển công nghiệp và thủy sản nước lợ.

Theo ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND H.Cần Đước, bên cạnh việc thực hiện đúng lộ trình các dự án theo các quy hoạch đã được phê duyệt như trên, huyện cũng đang nỗ lực đầu tư, tôn tạo để nâng tầm các giá trị văn hóa lịch sử như một nguồn lực phát triển kinh tế tổng hợp: du lịch.

Cần Đước: Văn hóa công vụ làm phong phú văn hóa địa phương - Ảnh 3.

Một góc đô thị thị trấn Cần Đước hôm nay

Với tính chất mở và năng động sáng tạo của con người Cần Đước, chính quyền đã có các chính sách phát triển và sẽ tạo thêm những điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát huy tính sáng tạo, khát vọng cá nhân như khởi nghiệp, truyền lửa, truyền thông điệp, chuyển đổi số, gia tăng kết nối, hội nhập kết nối để giải phóng và phát huy hết tiềm năng của con người Cần Đước. Song song đó là thu hút những người tài về cống hiến cho địa phương.

Một điểm nhấn quan trọng được lãnh đạo H.Cần Đước hướng đến là gia tăng hàm lượng văn hóa trong công vụ để làm phong phú thêm văn hóa của vùng đất này. "Chúng tôi quan niệm, việc thực hiện nghiêm túc các quy hoạch phát triển đã được phê duyệt và luôn có suy tư, trăn trở để tìm ra những giải pháp tốt hơn trong khi thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ, công chức, viên chức cũng là việc làm thiết thực để nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ và đó cũng là những hành động góp phần nâng tầm cho văn hóa của người Cần Đước hôm nay", ông Quang Hùng chia sẻ.

Các dự án công nghiệp đã được triển khai và đang kêu gọi đầu tư ở H.Cần Đước:

  • Khu công nghiệp: Cầu Tràm (quy mô 96,4 ha), Thuận Đạo - Bến Lức (quy mô 189,8 ha), Cầu cảng Phước Đông (quy mô 143,3 ha), Phúc Long (quy mô 322,5 ha).
  • Cụm công nghiệp: Thiên Lộc Thành (quy mô 33,1 ha), Nam Nam Thiên (quy mô 30 ha), SAVI (quy mô 50 ha), Long Sơn 1, 2, 3 (quy mô 190 ha), Tây Nam (50 ha), Hùng Hậu (75 ha), Phú An Thạnh (75 ha), An Hảo (75 ha), Innocons (75 ha)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.