Cần giám sát toàn bộ dự án

02/07/2016 06:28 GMT+7

Sau đấu tranh kiên quyết của Chính phủ, Formosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi nhưng theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng là xử lý, giám sát dự án này trong thời gian tới.

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, để xảy ra thảm họa môi trường Formosa chính là do có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý mà một trong những lỗ hổng quan trọng là việc chúng ta đã “nới rộng” giới hạn của các chỉ tiêu môi trường. Đơn cử, quy chuẩn môi trường QCVN 10-MT về chất lượng nước biển, phiên bản 2015 có khá nhiều giá trị giới hạn được tăng cao hơn so với phiên bản 2008. Như nhóm xianua (CN-), asen (As) và cadimi (Cd) tăng 2 lần; chì (Pb) tăng 2,5 lần; đồng (Cu) tăng 6,5 lần; kẽm (Zn) tăng 10 lần; mangan (Mn) và sắt (Fe) tăng 5 lần; phenol tăng 30 lần…
“Sự việc này đặt ra câu hỏi, giới hạn như vậy là đủ hay chúng ta tăng mức đánh đổi lên cao hơn?”, GS Võ nói.
Quản lý theo tổng lượng thải
TS Lê Phát Quới, Viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) lại nhấn mạnh đến đường ống xả thải ngầm và phân tích, ban đầu nó được đặt ở sông Quyền, sau được cho đặt ngầm xả thải thẳng ra biển với độ dài đường ống 1,5 km. Tại sao họ lại chuyển vị trí xả thải? Vì rõ ràng sông Quyền không thể tải nổi tổng lượng thải quá lớn mà Formosa thải ra. Đó là lý do họ phải chuyển hướng thải ra biển. Rõ ràng so với sông thì khả năng hòa tan và “chịu tải” của biển lớn hơn rất nhiều. Chưa kể kết hợp với dòng hải lưu đẩy về phương nam nó sẽ nhanh chóng “đẩy” chất thải đi nơi khác. Kẽ hở chính ở đây là chỉ quản lý dựa vào nồng độ chất thải mà không quản lý tổng lượng thải. "Môi trường nước sông hoặc biển tại nhà máy đưa ra với tổng lượng nước thải 20.000 m3/ngày thì hoàn toàn khác nhà máy thải ra 1.000 m3/ngày. Do đó, tiêu chuẩn về tổng lượng nước thải cho một nhà máy cần nên xem xét để có thể bổ sung vào quy chuẩn nước thải công nghiệp", TS Quới nói.
Với cách tiếp cận này, TS Quới cho rằng, vị trí và quy mô của một khu công nghiệp hoặc một nhà máy sản xuất rất quan trọng trong việc xem xét khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường. Đối với khu kinh tế Vũng Áng, nằm cạnh bờ biển và nước thải đưa ra biển thì khu vực bị ảnh hưởng không chỉ một địa phương mà là liên vùng - nơi đây là môi trường sống của thủy sản và hàng triệu con người. Do đó, việc đánh giá tác động môi trường phải rất cẩn thận, khoa học và chi tiết, thậm chí cần có thực hiện đánh giá môi trường chiến lược để có cơ sở vững chắc trước khi quyết định. "Có quá nhiều nhà máy sản xuất tại khu kinh tế Vũng Áng. Nếu tất cả đi vào hoạt động thì tổng lượng nước thải đi ra biển sẽ là con số khủng khiếp. Khi đó, quy định nồng độ chất thải trong đơn vị thể tích nước thải có thể không còn ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường nước biển khu vực này và cả vùng biển miền Trung", TS Quới khẳng định.
Đặc biệt ông Quới nhận định, theo luật Bảo vệ môi trường, bất cứ đường ống nào - nhất là đường ống xả thải - đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng. Chính vì vậy không thể chấp nhận một đường ống xả thải ngầm như vậy. Trong trường hợp cho Formosa tiếp tục hoạt động thì một trong những việc quan trọng cần làm là “moi đường ống này lên” và không cho họ xả thải trực tiếp ra biển.
Theo các chuyên gia, cần đưa đường ống xả thải ngầm lên đặt ở nơi tiện giám sát; xây dựng hệ thống giám sát tự động 24/24, cảnh báo sớm cho nhà máy này để có thể phát hiện những sự cố có thể xảy ra.
Đưa Formosa vào “danh sách đen”
GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi kiến nghị: Từ vụ việc Formosa, Chính phủ không chỉ xem xét lại quy hoạch các nhà máy ở đầu các nguồn nước mà cần chú trọng đến các nhà máy có vốn nước ngoài, đặc biệt là nhà máy đang và sẽ hoạt động ở đầu các nguồn nước như Nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang. Đồng thời, Bộ TN-MT cần phải lập “danh sách đen” những công ty trong và ngoài nước từng vi phạm luật pháp môi trường để có biện pháp quản lý chặt chẽ. Trong danh sách này, chắc chắn phải có Formosa. “Chúng ta không nên đánh đổi môi trường bằng mọi giá để đẩy mạnh phát triển kinh tế”, ông Hồng nói.
TS Tô Vân Trường cũng cho rằng, việc cần làm hiện nay là rà soát đánh giá nâng cấp 3 hệ thống xử lý nước thải của Formosa: sinh hoạt, sinh hóa và công nghiệp theo tiêu chuẩn VN và quốc tế. Đối với hệ thống xử lý nước thải của nhà máy thép theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB1) như VN đã làm, cần tiếp tục cập nhật, bổ sung đáp ứng được theo tiêu chuẩn của WB2. Không chỉ chủ động giám sát nước thải mà còn phải giám sát cả chất thải rắn và không khí do hoạt động của Formosa ra môi trường theo tiêu chuẩn VN và quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.