Cân gian

01/12/2010 00:54 GMT+7

Xưa nay, từ thành thị đến nông thôn, cân đủ cân thiếu là chuyện thường ngày ở chợ. Người mua mua rẻ hay mua nhầm, người bán bán lỗ hay cân gian thì chỉ có một cái cân chuẩn khác so sánh thì mới biết được!

Rẻ cũng thành đắt

Khi đi chợ, người mua luôn nghĩ người bán luôn nói thách. Vì vậy, người mua có quyền được mặc cả giá. Để đánh vào tâm lý mua rẻ, người bán sẽ cố tình cân thiếu để hạ giá bán nhằm đánh lừa người mua.

Chị L. (nhà ở Q.7, TP.HCM) thường hay mua trái cây của những người bán dạo kể: Chị từng mua măng cụt trên đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5. Thấy măng cụt có giá chỉ 30.000 đồng/kg, rẻ hơn trong siêu thị, chị liền mua 3 kg, nhưng khi về cân lại thấy chỉ còn 2,1 kg, nghĩa là chiếc cân kia 1 kg chỉ có 700g. Mua 3 kg mất gần 1 kg. Chị nói: “Biết rằng cân chắc chắn sẽ thiếu, nhưng không ngờ thiếu nhiều như vậy!”. Nếu cũng với số tiền trên, chị mua trong siêu thị thì mua được 2,3 kg. Vậy ra, tưởng mua rẻ nhưng thật ra là mua đắt...

Trong vai một người vào nghề mua bán, một tiểu thương ở chợ chỉ cách: “Đơn giản nhất là tìm một cục nam châm đặt dưới đáy cân là xong. Muốn một ký còn bao nhiêu lạng là tùy thuộc vào cục nam châm lớn hay nhỏ!”. Tôi nói, cách này dễ bị phát hiện, tôi muốn cách nào đó mà người mua cũng không thể phát hiện được. Ông này cho biết còn nhiều cách không cần đụng đến niêm chì của cân vẫn chỉnh được cân, nhưng ông cứ lòng vòng nghi ngại không chỉ. Sau nhiều ngày tiếp tục dò hỏi, cùng với sự quyết tâm cao theo đuổi “học hỏi” ngón nghề này cuối cùng ông cũng cho tôi số điện thoại và địa chỉ rồi hẹn giờ sang nhà để ông chỉ cho.

Tầm sư học đạo… cân gian

Đúng hẹn, tôi có mặt tại nhà ông ở đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, trên tay là một chiếc cân 5 kg mới mua. Sau khi nhâm nhi được vài tuần rượu ông bắt đầu giảng giải: “Nếu không muốn “mổ ruột” cân thì chỉ cần lấy cái tua-vít dẹp đưa vào lỗ sau lưng cân làm giãn lò xo đi là cân sẽ nặng thêm được vài lạng tùy theo nhu cầu muốn cân gian nhiều hay ít. Hoặc có thể mở nắp mặt đồng hồ cân ra gõ gõ vài cái làm cốt trục của kim cong vênh đi sẽ cho kết quả tương tự”.

Để kiểm chứng, tôi nhờ ông làm trực tiếp trên cái cân mà tôi vừa mua. Thao tác làm cân của ông rất nhẹ nhàng, đơn giản. Ông bảo, cách này tuy ăn gian được nhưng sẽ không đều. Muốn có tỷ lệ chênh lệch chắc ăn và đều thì phải thay lò xo khác làm nẩy kim cân. Cách này thì cứ mỗi kg lời 3 lạng thì 5 kg lời được 1,5 kg. Cách này tuy mở bụng cân nhưng vẫn không làm đứt niêm chì vì vị trí mở là đáy cân. Ông bảo: “Nghề này thất đức lắm đó, chú liệu mà làm, nhớ là đừng làm gì ảnh hưởng đến con cháu”.

Đáng chú ý là khi đi tìm hiểu tiếp xúc với nhiều người bán dạo, họ cho biết bán trái cây cân thiếu là chuyện đương nhiên vì trái cây là loại thực phẩm tươi sống, nếu bán chậm, bán không hết là lỗ vốn như chơi nên ăn gian là chuyện ít nhiều phải có.

Xuân Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.