Cần hỗ trợ nghề nghiệp cho thanh niên sau đại dịch

Vũ Thơ
Vũ Thơ
18/10/2021 06:20 GMT+7

Tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 17, nhiệm kỳ XI, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để đồng hành và hỗ trợ nghề nghiệp cho thanh niên sau đại dịch Covid-19.

Ngày 17.10, Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn đã được tổ chức với sự chủ trì của anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, và các Bí thư T.Ư Đoàn.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (trái) và anh Bùi Quang Huy chủ trì hội nghị

Đăng Hải

Sau đại dịch, thanh niên sẽ làm gì ?

Tại hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết đây là hội nghị quan trọng để bàn các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 12 sẽ diễn ra vào năm tới. Hội nghị thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 12; Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022...

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp để hoạt động Đoàn chủ động, thích ứng trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhiều đại biểu cho rằng báo cáo chính trị cần nhấn mạnh về vai trò của thanh niên trong phòng chống đại dịch và định hướng các vấn đề sau đại dịch của thanh niên. Anh Bùi Hoài Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa, nói: “Chưa bao giờ vị thế thanh niên sau đại dịch được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đánh giá cao như vậy. Vì thế, báo cáo cần đánh giá sâu nội dung này và tác động của đại dịch. Chúng ta cần xây dựng các giải pháp cho một lớp thanh niên hoàn toàn mới, sau đại dịch thanh niên làm gì, đặc biệt vấn đề khởi nghiệp, việc làm…”.

Đồng ý với quan điểm này, chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, cho rằng cần đánh giá sâu về việc Đoàn thanh niên tham gia phòng chống dịch Covid-19 và quan tâm, tiếp tục đề ra giải pháp về những vấn đề mới như: chuyển đổi số, công dân số ứng xử mạng xã hội; thanh niên ứng xử với thiên tai, dịch bệnh...

Anh Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội, đề xuất các tỉnh, thành đoàn cần có các giải pháp đồng hành, hỗ trợ về nghề nghiệp, việc làm đối với thanh niên công nhân di cư từ miền Nam về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời quan tâm, chăm sóc con em của những đối tượng này sau khi về quê.

Xây dựng lớp thanh thiếu nhi sống có nghĩa tình

T.Ư Đoàn có 2 tân bí thư

Ảnh

Anh Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng 2 tân bí thư T.Ư Đoàn

Ngọc Thắng

Cùng ngày, đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn. Tại hội nghị, chị Nguyễn Phạm Duy Trang (Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư) và anh Nguyễn Minh Triết (Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) được bầu làm Bí thư T.Ư Đoàn.

Hội nghị đã bầu 10 người vào Ban Chấp hành; 5 người vào Ban Thường vụ T.Ư Đoàn khóa XI; bầu bổ sung 2 người vào Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn; anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn khóa XI. Hội nghị đã kiện toàn 2 người vào Hội đồng Đội T.Ư; bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tham gia Phó chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư khóa VIII.

Phát biểu kết luận hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn đặc biệt lưu ý đến những yếu tố mới trong nhiệm kỳ Đại hội Đoàn lần thứ XII, như: đặc điểm của thế hệ Z, xu hướng chuyển đổi số, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn và đặc biệt là sự xuất hiện với tần suất, mức độ nghiêm trọng ngày càng dày hơn của các yếu tố an ninh phi truyền thống như: dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh tôn giáo… tác động rất lớn đến nhận thức và tâm lý của thanh niên.

“Vì vậy, báo cáo chính trị cần quan tâm đánh giá kỹ hơn các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp, trong đó lưu ý các giải pháp khơi dậy khát vọng vươn lên, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Đặc biệt, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đi nhắc lại là: làm sao có lớp thanh thiếu nhi sống có nghĩa tình, có lẽ sống, có trách nhiệm với quê hương, đất nước, dân tộc, đề cao tự tôn, tự trọng, danh dự của mỗi con người để chống lại những mặt trái, tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, kinh tế thị trường”, anh Tuấn nói.

Anh Tuấn cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng chính trị của cán bộ Đoàn, đoàn viên, coi xây dựng Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng trước một bước; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh như yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 4 khóa XIII. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng đoàn viên, đảng viên trẻ; chú trọng hơn xây dựng Đoàn - Hội - Đội thực sự vững mạnh.

Anh Tuấn cho rằng việc phát huy thanh thiếu nhi phải đi đôi với chăm lo và đồng hành, kể cả vật chất tinh thần cho họ. Anh Tuấn đề nghị trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn cần quan tâm đến việc học tập của học sinh, sinh viên, chú trọng hướng dẫn các em học trực tuyến, có kế hoạch hỗ trợ các em khi trở lại trường, để bù đắp kiến thức, và ổn định tâm lý cho các em do thời gian phải ở nhà học tập vì giãn cách xã hội. Anh Tuấn cũng đề nghị cần chuyển đổi hoạt động Đoàn, Hội như thế nào trong việc hỗ trợ thanh niên về việc làm sau đại dịch. “Trước mắt cần có kế hoạch hỗ trợ thanh niên quay trở lại các tỉnh phía nam làm việc, làm sao cho an toàn. Tổ chức Đoàn, Hội cần đồng hành để người lao động yên tâm quay lại làm việc”, anh Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.