Cần kích cầu toàn bộ nền kinh tế

30/05/2013 09:15 GMT+7

(TNO) Sáng nay (30.5), tại buổi thảo luận Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, của Quốc hội , nhiều đại biểu (ĐB) băn khoăn về số liệu báo cáo tình hình kinh tế-xã hội mà trước đó Chính phủ cung cấp cho đại biểu.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay trước kỳ họp, đoàn thư ký kỳ họp đã có báo cáo rất đầy đủ dày 25 trang về tình hình kinh tế năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.

 
Các đại biểu thảo luận ở hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, theo ông Hiến, nhiều ĐB khi đọc báo cáo lại băn khoăn về những con số báo cáo của Chính phủ về chỉ tiêu lao động qua đào tạo, số giường bệnh, về chỉ tiêu giảm nghèo, các chỉ tiêu về tỉ lệ thất nghiệp, tạo việc làm mới…

Ngoài ra, một số ĐB cho rằng thông tin về thị trường tài chính, tiền tệ mà Chính phủ cung cấp cho đại biểu không sát với tình hình thực tế...

“Nhiều ý kiến băn khoăn về tỷ lệ nợ xấu, giảm nghèo. Ngoài ra những chỉ tiêu khác chủ yếu thiên về thành tích. Số lượng lao động mất việc làm không được thống kê đầy đủ, chính xác. Số lượng lao động mất việc làm không được thống kê đầy đủ. Tỷ lệ thất nghiệp giảm so với kế hoạch đề ra nhưng số liệu trên không phản ánh đúng tình hình thực tế”, ông Hiến băn khoăn.

 

Tôi muốn gửi tới Chính phủ quan đểm của các nhà làm sử học khắp cả nước là sang năm là 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Chính phủ nên chỉ đạo một cuộc sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận từ lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về bài học về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình.

Chỉ có thấm nhuần bài học lịch sử mới bảo vệ vững chắc chủ quyền của lịch sử và giữ được hòa hiếu lâu bền đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới

 ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
Ông Hiến cũng đề nghị xem xét lại chỉ tiêu về chuẩn văn hóa hiện nay tăng về tô hồng, nặng thành tích. Số liệu về tai nạn giao thông giữa báo cáo của Bộ Công an so với báo cáo của Chính phủ không trùng khớp.

Ông Hiến nêu mấy năm gần đây vấn đề sinh tử của quốc gia là xử lý nợ xấu quốc gia, tồn kho bất động sản… nhưng mức độ tin cậy của số liệu liên quan lại rất thấp.

“Cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu là 10%, trong khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu còn 8,6%, trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%, trong khi cùng thời gian Ủy ban Giám sát tài chính của Quốc hội đưa ra còn số 11,8%. Tháng 3.2013, Ngân hàng Nhà nước đưa ra nợ xấu còn 6%”, ông Hiến nói.

Ông Hiến cho rằng với những gì diễn ra, bản chất nợ xấu lớn hơn nhiều so với những gì đã công bố. Cho đến giờ vẫn không ai biết lượng nợ xấu tồn kho bất động sản là bao nhiêu. Bởi các số liệu của cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu bất động sản rất khác nhau.

“200.000 căn hay 40.000 căn, 83.000 tỉ đồng hay 43.000 tỉ đồng? Nợ công là bao nhiêu, 55% GDP hay 95% GDP như nghiên cứu của Ủy ban kinh tế của Quốc hội và liệu có an toàn?”, ông Hiến đặt vấn đề.

Trước đó, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), quan tâm đến các chỉ số về tai nạn, ùn tắc giao thông. Theo ông Sơn, trong báo cáo của Chính phủ các chỉ số về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đều giảm nhưng thực tế từ đầu năm đến nay nhiều vụ tai nạn giao thông lớn xảy ra với xe khách, trên quốc lộ, con số thương vong cao.

“Tôi kiến nghị Chính phủ phải tiếp tục duy trì các dự án nâng cấp Quốc lộ (QL) 1A, có những cơ chế đặc thù để huy động vốn, giải ngân cho các dự án giao thông trọng điểm này, phát hành trái phiếu chính phủ cho xây dựng QL1A”, ĐB Sơn có ý kiến.

Đồng thời ĐB Sơn cũng nêu thực trạng QL6 đang xuống cấp nghiêm trọng và đề nghị CP sớm có dự án cải tạo.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đưa ra con số 69% doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, lãi suất vẫn còn cao và doanh nghiệp khó vay vốn. Đặc biệt, ĐB Đồng cũng nêu ý kiến dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng giá vàng trong nước vẫn chênh 6 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Qua đó, ĐB Đồng yêu cầu Chính phủ có báo cáo và phân tích rõ hơn về việc điều hành kinh tế, trong khi kinh tế nước ta đang khó khăn hơn.

Cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhân dân

Phát biểu trước QH, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đánh giá bức tranh kinh tế đất nước đang có nhiều mảng tối. ĐB dẫn chứng các biểu hiện cụ thể là hàng hóa nhiều nhưng người dân không có tiền mua; ngân hàng nhiều tiền nhưng doanh nghiệp không dám vay vì khó có khả năng trả nợ và hàng tồn kho còn nhiều, nông nghiệp khó khăn vì giá bán đầu ra rẻ còn đầu vào cao,…

 
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) phát biểu - Ảnh: Ngọc Thắng 

“Đặc biệt, điều đáng lo ngại hơn nữa là không khí im lặng dò xét, ngồi yên chờ thời của các doanh nghiệp hiện nay; tâm lý lo ngại, thiếu tin tưởng vào các chính sách kinh tế của Nhà nước và lo sợ lợi ích nhóm chi phối”, ĐB Đáng phân tích.

Vì vậy, ĐB Đáng đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hiệu quả hơn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhân dân.

Cùng vấn đề quan tâm, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Chính phủ phân định rõ hơn cơ chế trách nhiệm cá nhân và bộ ngành liên quan trong quản lý, điều hành việc tái cơ cấu kinh tế, không để lợi ích nhóm chi phối. Vì theo ĐB Vở, qua báo cáo của Chính phủ thì có thế thấy dấu hiệu suy giảm kinh tế của nước ta ngày càng rõ hơn.

Cơ hội đưa kinh tế vượt qua khó khăn, tìm lại tăng trưởng

Trong khi đó, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận định: Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang khó khăn và đáng lo hơn nữa là khó khăn của nông nghiệp. Nông nghiệp không còn là chỗ dựa an toàn cho công nhân trở về như trước đây nữa. Trong khi đó doanh nghiệp trong nước yếu và không cạnh tranh lại với doanh nghiệp nước ngoài ngay thị trường trong nước, gây mất cân bằng kinh tế.

Theo ĐB Lịch, nếu như trước đây chúng ta so sánh cân đong hi sinh tăng trưởng hay lạm phát thì hiện nay, lạm phát không còn là con ngựa bất kham. Vì vậy đây là cơ hội và điều kiện để chúng ta có những chính sách đưa kinh tế vượt qua khó khăn, tìm lại tăng trưởng.

“Kinh tế VN nếu không tăng trưởng được 7-8% trong vài thập niên thì không thể nói đến vấn đề công nghiệp hóa và cũng sẽ không có đủ tiền đề kinh tế cho phát triển xã hội”, ĐB Lịch nêu quan điểm.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho hay lãi suất trên thị trường hiện đã giảm và không còn là rào cản đối với doanh nghiệp. Đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam, ông Hùng cho hay có hiện tượng là doanh nghiệp làm ăn tốt thì hạn chế vay vốn. Còn những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả lại vay vốn, từ đó gây ra nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

“Việc cần làm hiện nay là Chính phủ cần kích cầu sức mua, tăng năng lực của doanh nghiệp và kích cầu toàn bộ nền kinh tế”, ĐB Hùng đề xuất. 

Ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp làm trụ đỡ kinh tế

ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) nhận định, năm 2013 kinh tế còn tiếp tục khó khăn, đang suy thoái, chưa kể gánh nặng về ngân sách từ năm 2012 chuyển qua.

Vì vậy, ĐB Chiểu đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần ổn định chính sách thu gắn với lộ trình giảm thuế suất; thanh kiểm tra các lĩnh vực chuyển giá, gửi giá, chống buôn lậu, nhất là hàng tạm nhập tái xuất; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và vùng sâu vùng xa còn khó khăn; ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là các mặt hàng nông sản VN có thế mạnh xuất khẩu.


ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) phát biểu ý kiến trước Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng

Đồng thuận, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhấn mạnh cần triển khai đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn vì “nông nghiệp trong nhiều hoàn cảnh khó khăn là chỗ dựa của nền kinh tế”.

ĐB Hoàng băn khoăn, hiện nay, sự hỗ trợ của Nhà nước đã đến với người nông dân chưa và nếu có đến thì đến được bao nhiêu %, vì bà con rất khó tiếp cận với các chính sách.

Qua đó, ĐB Hoàng đề nghị Chính phủ cần có phương án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân hợp lý thay vì cho doanh nghiệp vay để thu mua nông sản. “Các hình thức hỗ trợ nên hướng đến hộ nông dân thì người nông dân mới có thể “hấp thụ”, thụ hưởng, gia tăng sức sản xuất nông nghiệp và đỡ khó khăn”, ĐB Hoàng nói.

Bên cạnh đó, theo ĐB Hoàng cần có chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu vì nếu theo kịch bản biến đổi khí hậu ĐBSCL ngập thì nguy cơ đất nước có thể dẫn đến thiếu lương thực.

Chiều nay Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận với phần tham gia giải trình của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bộ trưởng các bộ: Công thương, Thông tin - Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư.

Không vì thủy điện làm ảnh hưởng rừng quốc gia

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị: “Không vì thủy điện mà làm ảnh hưởng rừng quốc gia. Dừng thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A vì phạm vi giải tỏa rừng để làm thủy điện có diện tích quá lớn, phạm vào khu vực lõi rừng dự trữ sinh thái Cát Tiên. Trong khi đó, rừng Cát Tiên có giá trị sinh thái rất quan trọng và đang được làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới”.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương): “Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị cả Tỉnh ủy, HĐND, UBND địa phương và các nhà khoa học kiên quyết phản đối thì Chính phủ cần có quyết định ngưng lại, xem xét, điều chỉnh. Hiện nay, cả nước đang đau đầu với nhiều công trình thủy điện thì Chính phủ cần thận trọng hơn trong việc xây dựng thủy điện này”.

Văn bản quy phạm bất hợp lý nên không thể thực thi

Trong khi đó, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) quan tâm phân tích về chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. ĐB Nga nêu ý kiến trong thời gian vừa qua, các bộ ngành ban hành nhiều quy định chưa hợp lý gây bức xúc trong dư luận (ngay khi còn là dự thảo) và có quy định được áp dụng thì cũng không thực thi, xử phạt được vì không khả thi. Điều này theo ĐB Nga đã gây ra nhiều bức xúc cho nhân dân và đáng lo hơn là tạo nên tâm lý không tuân thủ pháp luật.

“Vậy mà hàng hục năm nay chưa thấy cán bộ nào bị giáng chức, kiểm điểm, kỷ luật do ban hành văn bản sai trái”, ĐB Nga có ý kiến.

Bộ Y tế cần xin lỗi trong sự cố vắc xin Quinvaxem

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), cũng có ý kiến thêm về sự cố vắc xin Quinvaxem: Vừa qua, nước ta được viện trợ số lượng lớn vắc xin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất. Bộ Y tế đã sử dụng vắc xin này để tiêm chủng cho trẻ em cả nước trong chương trình tiêm chủng Quốc gia trong khi vắc xin này từ lâu đã không được tiêm cho trẻ em Hàn Quốc vì lo ngại độ an toàn. Thế mà phải chờ đến ca tử vong thứ 9 của trẻ sau khi tiêm vắc xin thì ngành y tế mới tạm dừng sử dụng vắc xin này. Có lẽ là Bộ Y tế còn phải lo quá nhiều việc lớn hơn nên phản ứng chậm! Vấn đề đã qua nhưng tôi nghĩ một lời xin lỗi của ngành y tế là cần thiết nhất là đối với gia đình các trẻ không may. Đó là thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ trước nỗi đau của gia đình, tấm lòng nhân ái và lương y của người thầy thuốc.

Thận trọng, nghiên cứu kỹ khi thay đổi sách giáo khoa (SGK)

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đã có ý kiến thảo luận trước QH về chương trình giáo dục hiện nay, đặc biệt là việc thay đổi SGK.

“Bộ GD-ĐT cần thận trọng, nghiên cứu kỹ và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, giáo dục, chuyên gia và người dân về việc xây dựng chương trình SGK. Cân nhắc về mốc thời gian thực hiện, không vì chạy theo chỉ tiêu là năm 2015 áp dụng SGK mới mà giảm chất lượng soạn thảo SGK”, ĐB Tâm nói.

Về giáo dục đại học, theo ĐB Tâm hiện nay nhiều trường ĐH được thành lập rầm rộ nhưng chưa tương xứng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy mô, uy tính của các trường thấp nên khó khăn trong tuyển sinh, tràn lan liên thông, đào tạo vượt cấp cho phép nên gây thiệt hại cho người học.

Vì vậy, ĐB Tâm đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật Giáo dục, xử lý nghiêm các trường vi phạm, triển khai và công bố kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường.

Viên An - Đình Quân

>> Quốc hội thảo luận luật Thuế TNDN sửa đổi: Cần giảm thuế suất xuống 20%
>> Sẽ báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Ngày mai, khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII
>> Trình Quốc hội phương án về tên nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.