Cần lấy ý kiến người dân về đề xuất thu phí lưu hành xe

05/01/2012 00:27 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên, một số thành viên các ủy ban của Quốc hội  (QH) cho rằng nên lấy ý kiến người dân về đề xuất thu phí lưu hành xe trước khi quyết định áp dụng hay không.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Mai Xuân Hùng, trước nhiều quan điểm trái chiều về đề xuất thu phí lưu hành phương tiện tại nội đô 4 TP lớn trực thuộc T.Ư mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) quyết định, “chúng tôi sẽ có buổi làm việc với Bộ GTVT về vấn đề này”.

Ông Hùng cho biết đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa trình Ủy ban TVQH với các phương án cụ thể nên chưa thể nói tán thành hay không tán thành, tuy nhiên, về các vấn đề dư luận đặt ra như phải làm rõ đến thời điểm này, các phương tiện giao thông cá nhân phải “cõng” trên mình bao nhiêu loại thuế, phí; tính khả thi của việc thu phí lưu hành ra sao…, ông Hùng cho biết “cái đó chúng tôi cũng đang đặt vấn đề ra. Chắc chắn nếu Chính phủ trình sang Ủy ban TVQH thì chúng tôi sẽ tham gia phản biện để trình Ủy ban TVQH một phương án tốt nhất”.

Về quan điểm cá nhân, ông Hùng cho biết điều ông quan tâm trước hết ở đề xuất của Bộ GTVT về việc thu phí lưu hành phương tiện là lợi ích đem lại cho người dân là cái gì, lợi ích cho xã hội là gì để trên cơ sở đó đưa ra các phương án rồi chọn mẫu chính xác.

Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc cho biết ông chưa rõ các phương án cụ thể mà Bộ GTVT trình Chính phủ ra sao, nhưng qua thông tin phản ánh trên báo chí về đề xuất thu phí lưu hành phương tiện ở nội đô, rồi mức phí thu giờ cao điểm…,  thì thấy băn khoăn về tính khả thi của đề xuất này.

“Đưa ra mức phí nào cũng phải tính đến tính khả thi và sức chịu đựng của người dân. Trước đây ta cũng tổ chức thu phí xe máy qua cầu, sau đó phải bỏ đi vì chi phí bỏ ra nuôi bộ máy đi thu phí xe máy thực tế rất lớn", ông Phúc dẫn chứng.

Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, ông Đỗ Mạnh Hùng thì cho rằng, chống ùn tắc là vấn đề rất khó, đòi hỏi đồng bộ nhiều giải pháp. “Nếu có phương án về phí thì đồng thời phải có các phương án khác để người dân không thấy nhà nước chỉ dồn cái khó cho dân mà cũng đang hết sức nỗ lực cùng người dân tháo gỡ và có giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề này”.

Cũng theo ông Hùng, “nếu nói đây là tiến bộ xã hội thì ít người tán thành, và nếu nói công bằng xã hội thì phải tính thêm, vì mức thu cào bằng đối với các đối tượng với các mức đề xuất từ 20 triệu lên 50 triệu là không hợp lý, vì cũng mua ô tô nhưng mỗi người một mục đích sử dụng, có người sử dụng xe thường xuyên nhưng cũng có nhiều trường hợp chỉ đi cùng gia đình vào dịp cuối tuần”.

“Mỗi chính sách đưa ra đều phải đánh giá tác động nhiều mặt, nhất là đối tượng có ảnh hưởng bởi những chính sách đó, cho nên phương án này cần phải tính toán kỹ hơn và có lẽ cần phải lấy ý kiến người dân về vấn đề này”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.