Loạt bài Nông sản oằn mình cõng phí đăng trên Thanh Niên trong tuần qua đã nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc.
Nông dân lỗ nặng
Ở các tỉnh miền Tây, nông dân trước đây có đời sống dễ chịu về kinh tế nhờ sản xuất có lợi nhuận khá cao. Nhưng từ đầu năm tới nay, hầu hết nông dân đang lâm cảnh nợ nần. Không chỉ rau, lúa mà giá heo, gà, vịt, cá bị tụt nghiêm trọng, đặc biệt là heo. Heo nuôi lớn, bán với giá bèo 32.000 đồng/kg mà phải năn nỉ thương lái mua. Bán heo xong, trang trải tiền giống, tiền thức ăn... vẫn không đủ. Thật xót xa khi nông dân chỉ trông cậy vào cây lúa, ngọn rau, mấy vật nuôi mà bây giờ đụng đâu cũng thấy lỗ. Nguyễn Chiến (nguyen-chien38@yahoo.com)
Bỏ bớt phí
Hầu hết nông dân đều trồng trọt theo tính chất nhỏ lẻ, thiếu tính tập trung, người này trồng bắp, người kia trồng dưa, người nọ trồng mướp…, vì thế, họ không thể tự lo đầu ra cho mình, phải trông chờ vào thương lái nên bị ép giá. Theo tôi, nhà nước nên rà soát lại những loại phí vô lý đánh vào nông sản, như vậy nông dân và cả người tiêu dùng cũng sẽ dễ thở hơn. Nguyễn Ngọc Tiến (Châu Thành, Tây Ninh)
Quá kém
Hiện nay, do hệ thống tiêu thụ nông sản và phân phối quá kém, thêm vào đó việc kiểm soát giá cả bị buông lỏng. Chính vì thế mới dẫn đến tình trạng 1 kg chanh tại vườn giá 2.000 đồng, khi đến tay người tiêu dùng đã là 12.000 đồng. Đình Cường (dinhcuongtd@yahoo.com)
Tại sao nông dân ở các nước phát triển có đời sống rất tốt trong khi ở ta dù là nước nông nghiệp nhưng nông dân lại khổ? Câu hỏi này xin gửi đến các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyễn Thị Uyên (Q.Thủ Đức, TP.HCM) Thực ra, phí kiểm dịch đối với trứng, động vật là cần thiết, người tiêu dùng hoàn toàn chấp nhận bởi họ được sử dụng sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, chỉ nên thu phí một lần ở nơi xuất xứ chứ thu phí đến 3 lần ở 3 nơi thì quá đáng. Trần Cao Sáng (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Thanh Đông (thực hiện) |
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Bình luận (0)