* Được mùa mất giá, được giá mất mùa rồi trồng cây này, chặt cây kia... là hiện trạng ngành nông nghiệp VN hiện nay. Theo ông, nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này có phải là do thiếu quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung?
Tiến sĩ Trần Du Lịch |
- Trước khi bàn việc quy hoạch vùng sản xuất nông sản tập trung, tôi muốn đề cập đến đặc điểm người sản xuất nông sản trong điều kiện của kinh tế thị trường và nhất là hội nhập với thị trường nông sản thế giới. Đó là sự rủi ro kép: rủi ro do thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh... mà đặc điểm sản xuất nông nghiệp thường xuyên chịu nặng hơn các ngành kinh tế khác; rủi ro do thị trường như biến động giá cả, tỷ giá hối đoái, mất cân đối cung - cầu... Người nông dân VN đang phải chịu cả 2 loại rủi ro nêu trên. Những quốc gia thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh việc sử dụng khoa học - công nghệ để hạn chế những rủi ro về điều kiện tự nhiên cho nông dân, họ còn sử dụng các công cụ của thị trường để chuyển loại rủi ro do thị trường gây ra từ người sản xuất sang người kinh doanh. Hay nói cách khác, chuyển rủi ro từ thị trường cho thị trường. Qua đó, giảm rủi ro cho nông dân sản xuất. Đây là vấn đề “đại sự” trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, chứ không đơn giản là quy hoạch chỗ nào, nuôi con gì, trồng cây gì thích hợp.
* Nhưng không thể phủ nhận là ở những nước có nền nông nghiệp phát triển luôn đi cùng các vùng nguyên liệu tập trung, thưa ông?
- Việc trồng cây gì nuôi con gì chỉ mới dựa trên điều kiện lợi thế tự nhiên, còn sản phẩm của cây, con đó bán ở đâu, số lượng bao nhiêu, giá thế nào lại do thị trường quyết định. Do đó vấn đề phát triển nền nông nghiệp nước ta theo hướng bền vững không chỉ là vấn đề quy hoạch vùng sản phẩm nông nghiệp tập trung, mà vấn đề đầu tiên là “phương thức tổ chức sản xuất nền nông nghiệp” như thế nào để gắn sản xuất với thị trường, kể cả thị trường thế giới. Tôi đồng ý, muốn đi lên nền sản xuất lớn nông nghiệp, thì tất yếu phải quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp tập trung, gắn các vùng này với công nghiệp chế biến và thương mại, tạo nên các “cụm sản xuất” (tạm dịch khái niệm “clusters”) bảo đảm toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm. Nhưng nếu chỉ khoanh vùng quy hoạch đơn giản dựa vào duy nhất điều kiện lợi thế tự nhiên, thì “rủi ro thị trường” luôn luôn ập đến. Và tình trạng như hiện nay cũng không cải thiện được.
“Một nền nông nghiệp mang lại sự giàu có không chỉ dựa vào tăng sản lượng mà quan trọng hơn là tăng “giá trị gia tăng”, đặc biệt ở khâu chế biến và thương mại. Hiện nay, chúng ta đang yếu ở 2 khâu sau này, nên đó mới chính là các vấn đề cần phải giải quyết”. |
* Nói như vậy, không lẽ chúng ta cứ tiếp tục để sản xuất manh mún như hiện nay và người sản xuất nông sản phải chấp nhận những rủi ro của thị trường, thưa ông?
- Thực tế các vùng sản xuất nông sản của nước ta hiện nay không phải là không có quy hoạch. Dĩ nhiên việc quy hoạch còn ở diện khá rộng như cà phê Tây Nguyên, cao su Đông Nam Bộ, vùng lúa ĐBSCL, kể cả các vùng lúa cao sản, vùng cây trái, hoa quả... dựa vào lợi thế tự nhiên của các địa bàn này. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là phương thức tổ chức sản xuất (bao gồm cả các khâu chế biến và tiêu thụ) ở những vùng quy hoạch này như thế nào và sự quy hoạch đó có căn cứ vào dự báo dài hạn về thị trường hay không để bảo đảm tính hiện thực của nó.
Quy hoạch chỉ là một khâu trong toàn bộ nội dung của bài toán phát triển nông nghiệp mà thôi. Quy hoạch một nền nông nghiệp trong điều kiện cạnh tranh và giành ưu thế trên thị trường nông sản thế giới hoàn toàn khác với quy hoạch một nền nông nghiệp để tự cân đối lương thực thực phẩm trong phạm vi quốc gia. Do đó, chúng ta phải đặt nhiệm vụ quy hoạch trong tổng thể các nội dung của “phương thức tổ chức nông nghiệp” như đã đề cập bên trên. Một nền nông nghiệp mang lại sự giàu có không chỉ dựa vào tăng sản lượng mà quan trọng hơn là tăng “giá trị gia tăng”, đặc biệt ở khâu chế biến và thương mại. Hiện nay, chúng ta đang yếu ở 2 khâu sau này, nên đó mới chính là các vấn đề cần phải giải quyết.
* Theo ông, có cần luật hóa việc quy hoạch vùng nông nghiệp tập trung để giải quyết tình trạng manh mún hiện nay hay không? Với tư cách một đại biểu Quốc hội ông có ủng hộ việc này?
- Tôi không nghĩ là có một đạo luật riêng về quy hoạch các vùng chuyên canh nông nghiệp mà cần một đạo luật chung về vấn đề “kế hoạch hóa nền kinh tế”, trong đó có vấn đề nông nghiệp. Luật này sẽ chế định nội dung và phương thức kế hoạch hóa, công tác dự báo, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước nói chung và chính quyền các cấp nói riêng về công tác kế hoạch. Đây chính là công cụ để Nhà nước điều tiết thị trường, định hướng thị trường, nhưng bảo đảm tuân thủ các quy luật khách quan của thị trường. Tôi hoàn toàn ủng hộ một đạo luật như vậy càng sớm càng tốt. Tôi cũng xin nói thêm, dù theo cơ chế thị trường, dù gia nhập WTO, nhưng để giải quyết bài toán “tam nông” thì vai trò của Nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngay những nước có nền nông nghiệp phát triển, Nhà nước vẫn bảo hộ mạnh mẽ cho nông nghiệp dưới nhiều hình thức. Thiết nghĩ, chúng ta cần sớm nghiên cứu cơ chế và chính sách để giảm rủi ro về thị trường cho các nông sản chính yếu của nước ta thông qua các công cụ hỗ trợ của Nhà nước, nhằm ổn định đời sống cho nông dân và từng bước đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện vận hành của cơ chế thị trường.
Đừng bỏ mặc cho thương lái! Đa số ý kiến của bạn đọc phản hồi loạt bài Bất ổn tiêu thụ nông sản đang đăng tải trên Thanh Niên đều cho rằng: Nhà nước còn lúng túng trong cách quản lý thị trường nông sản, phó thác cho thương lái nên dẫn đến tình trạng mất giá khi được mùa. Được giá khi mất mùa, được mùa thì mất giá Lý do là thị trường nông sản VN do thương lái làm chủ. Thương lái thì chỉ biết đến lợi nhuận chứ làm gì biết chăm lo đời sống nông dân, chất lượng sản phẩm hay môi trường... Nếu Nhà nước làm chủ thị trường, giúp nông dân bao tiêu sản phẩm và cả đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, giống...) thì chắc chắn tình hình sẽ khác, đời sống nông dân sẽ khá hơn. Thi Thảo (H.Bình Chánh, TP.HCM) Xoài cũng mất giá thê thảm Hiện tại trái xoài ở miền Tây Nam bộ cũng mất giá thê thảm. Nông dân trồng xoài đang lỗ triền miên, nợ ngân hàng và mất khả năng chi trả. Họ đang dần chặt bỏ những gốc xoài không dưới 10 năm để chuyển đổi cây trồng khác. (son_thien...@yahoo.com) Nông dân nên đoàn kết Một thực tế rất đáng lo ngại trong đời sống canh tác của nông dân là hễ thấy nhà này trồng cây này có ăn là thi nhau trồng, đến khi thị trường nhiều quá, giá rẻ thì chặt bỏ, trồng cây khác. Nếu nông dân biết chuyên canh, cùng đoàn kết để trồng một loại cây trái phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đó rồi cùng nhau tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, không phụ thuộc vào thương lái thì chắc chắn tình hình sẽ khác đi. (thanhtungcat...@yahoo.com) Nghịch lý ngay tại “sân nhà” Nếu nông sản của ta chỉ bị ép trên thương trường quốc tế còn có thể thông cảm, ở đây, người nông dân còn đau đớn hơn khi bị ép ngay trên “sân nhà”. Nhà tôi bao đời nay làm nông nghiệp, cố gắng mấy cũng không sao khá lên được. Một ký rau thương lái vào mua chỉ có vài trăm đồng, nhưng khi bước chân ra chợ để mua thì giá đã lên mười mấy ngàn. Một ký chôm chôm bán cho thương lái cũng chỉ vài trăm đồng, nhưng khi đi mua thì phải chấp nhận đến cả chục ngàn một ký... Vẫn biết rằng mình bị ép giá nhưng nếu không bán cho thương lái thì nông dân biết bán cho ai. Vì sao thương lái lại có đặc quyền làm giá như thế? Phải chăng khâu quản lý của ta quá kém hay biết rồi mà vẫn cố tình làm ngơ? Lộc Sơn (Lâm Đồng) Ban CTBĐ |
Nguyên Hằng
(thực hiện)
Bình luận (0)