Bên cạnh những thắc mắc về điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ, nhiều học sinh có mặt trong buổi tư vấn còn đặt nhiều câu hỏi liên quan chọn ngành nghề, chọn trường/ngành tăng cơ hội trúng tuyển.
Học sinh Trần Thịnh Vinh (diễn viên đóng vai Thiều trong bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) tham gia đặt câu hỏi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức, đã thu hút hơn 1.000 học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào sáng qua (20.2).
Cần lưu ý các tiêu chí phụ
Trước những điểm mới trong dự thảo quy chế xét tuyển ĐH-CĐ mà Bộ vừa ban hành, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đưa ra những lưu ý quan trọng giúp thí sinh nắm rõ. Thạc sĩ Vũ cho biết: “Các em cần cân nhắc về việc đăng ký môn thi vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc xét tuyển sau này. Ngành học em chọn là ngành gì, muốn học trường nào, ngành đó của trường xét những tổ hợp môn gì… Từ đó thí sinh lựa chọn môn thi cho phù hợp”.
Về việc thời gian xét tuyển dự kiến sẽ rút ngắn so với năm 2015, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ nhấn mạnh, thí sinh cần theo dõi kỹ thông tin xét tuyển của những trường mà mình muốn theo học. Bên cạnh đó, ông Vũ chia sẻ thêm: “Các em đặc biệt lưu ý là năm nay có thể không được rút hồ sơ, cho nên trước khi nộp cần cân nhắc thật kỹ. Thêm một điểm nữa, các em cần để ý một số trường có đưa ra các tiêu chí phụ. Ví dụ một ngành học có nhiều em trùng mức điểm xét tuyển, để lấy được số lượng thí sinh sát với chỉ tiêu dự kiến, các trường sẽ xét đến các tiêu chí khác như điểm thi môn chính trong tổ hợp môn, điểm tổng kết môn chính, điểm tiếng Anh… tùy vào đặc thù từng ngành nghề. Thí sinh nào có lợi thế hơn về các tiêu chí phụ thì sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn”.
Ngành nghề nào cơ hội trúng tuyển cao ?
Xuân Ngọc, học sinh lớp 12A1, có mong muốn làm việc liên quan đến tổ chức sự kiện và quan hệ công chúng nhưng chưa biết học ngành nào và ở đâu. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, thông tin: “Các em có thể đăng ký ngành quan hệ công chúng đang được đào tạo ở một số trường. Đây được xem là một ngành học thời thượng và cơ hội việc làm khá cao”.
Còn tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết thêm những thí sinh có tính cách sôi nổi, năng động, sáng tạo sẽ rất phù hợp với ngành quan hệ công chúng. Trong khi đó, thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thông tin để làm công việc trên, thí sinh cũng có thể đăng ký học ngành quan hệ quốc tế.
Nhiều học sinh quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề nào, trường nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất. PGS-TS Trần Lê Quan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng nếu thí sinh đăng ký vào những ngành học mới của các trường thì sẽ dễ trúng tuyển hơn vì nhiều thí sinh chưa để ý. Được biết, năm nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM dự kiến mở ngành mới, đó là công nghệ hóa học gồm 50 chỉ tiêu, ở 3 tổ hợp môn: toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh và toán, hóa, tiếng Anh. Chương trình học sẽ định hướng nghiên cứu và phát triển hóa học và công nghệ cao trong lĩnh vực dược phẩm, năng lượng tái tạo.
Thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ những ngành học ít thí sinh đăng ký và có điểm chuẩn năm 2015 thấp so với các ngành khác trong trường là ngành lưu trữ học, thông tin học, giáo dục học, quy hoạch vùng và đô thị.
Đặc biệt, các ngành kỹ thuật vẫn được các chuyên gia của nhiều trường ĐH cho rằng cơ hội trúng tuyển rất lớn. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn lưu ý: “Tại Trường ĐH Văn Lang, điểm chuẩn của khối ngành kỹ thuật bao giờ cũng thấp hơn nhóm ngành kinh tế và mỹ thuật công nghiệp. Lý do là vì chỉ tiêu nhiều nhưng số thí sinh đăng ký lại ít. Trong khi trên thực tế, nhu cầu nhân lực khối ngành kỹ thuật luôn chiếm số lượng cao”.
Bình luận (0)