Tăng 3,7% so với năm 2016
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nay thị trường lao động còn rất nhiều hạn chế như nghịch lý về cơ cấu đào tạo ngành nghề, xu hướng chọn học ĐH chiếm tỷ trọng cao… Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi.
Đầu tiên là chương trình khởi nghiệp quốc gia bắt đầu khởi động, giới trẻ rất chú ý và điều này sẽ giúp họ tự tạo việc làm. Ngoài ra, có 4 điểm tích cực giúp cho việc làm của người lao động tốt hơn. Đó là cơ quan nhà nước đang cải tổ tạo điều kiện nhiều hơn để thu hút người trẻ. Doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, giảm số lượng công ty phá sản, có thêm nhiều chỗ làm. Ngoài ra doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM ước tính mỗi năm tăng trưởng khoảng 2% nên người lao động có kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ sẽ có rất nhiều cơ hội tham gia. Việc xuất khẩu lao động được đẩy nhanh và việc di chuyển lao động giữa các nước ASEAN bắt đầu hình thành, tạo ra thêm cơ hội làm việc.
Tại TP.HCM bắt đầu khởi động chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực, 9 ngành kinh tế trọng yếu và phát triển 50.000 doanh nghiệp trong năm 2017. Năm tới, dự kiến TP.HCM cần khoảng 280.000 chỗ làm việc (tăng 3,7% so với năm 2016), trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở những ngành nghề như: kinh doanh - marketing - bán hàng, dịch vụ - du lịch - nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể cải thiện tình hình thất nghiệp trong những năm sắp tới, cần hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung - cầu nhân lực. Phải dự báo được những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm trung hạn (5 năm), dài hạn (10 - 20 năm). Ngoài ra, cần hoàn thiện phát triển hoạt động hướng nghiệp, đưa các chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp vào các trường THPT và THCS. Bên cạnh đó, xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp - việc làm kết nối thành phố với các tỉnh thành, khu vực và quốc gia và điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên, nhu cầu thị trường lao động về xu hướng việc làm và học nghề.
Cần người làm việc được chứ không cần bằng cấp
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, xu hướng việc làm năm 2017 là cần nhiều nhân lực hơn. Tuy nhiên, đây phải là nhân lực làm việc thật sự, không mất nhiều thời gian đào tạo lại chứ không liên quan nhiều đến bằng cấp. Nghĩa là doanh nghiệp cần nhiều nhân lực bậc CĐ, TCCN hơn là bậc ĐH. Tuy nhiên, sẽ khó khăn cho doanh nghiệp bởi xu hướng lựa chọn học ĐH vẫn đang chiếm đa số. Cũng theo ông Cường, những ngành như hàn, cơ khí, công nghệ thông tin, điện - điện tử… đang rất “khát” nhân lực.
Theo ông Nguyễn Tường Quang, Trưởng bộ phận quản lý nguồn tuyển, Ngân hàng Sacombank, hiện nay các ngân hàng bắt đầu tuyển dụng rầm rộ trở lại. Năm 2017 dự kiến ngân hàng sẽ tuyển khoảng 2.000 nhân sự cho các phòng ban, chi nhánh. Số lượng này vừa tuyển các vị trí mới vừa bổ sung cho nhân sự cũ nghỉ việc.
Đại diện Tập đoàn FPT cũng cho hay ước tính trong giai đoạn 2016 - 2020 tập đoàn cần tuyển khoảng 50.000 nhân sự ở nhiều vị trí.
Người tốt nghiệp ĐH, CĐ vẫn có nhu cầu tìm việc cao
Bộ LĐ-TB-XH và Tổng cục Thống kê vừa công bố bản tin cập nhật thị trường lao động VN quý 3/2016. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết thị trường lao động có những chuyển biến tích cực như tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng; tỷ lệ việc làm trong ngành nông, lâm thủy sản giảm; thu nhập của người lao động tăng lên... Tuy nhiên, quý này tăng trưởng kinh tế không tạo ra thêm nhiều việc làm, tỷ lệ lao động giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Đặc biệt, lực lượng lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (8,36%).
Bảng phân tích thị trường lao động năm 2016 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2017 tại TP.HCM cũng cho thấy nhu cầu tìm việc làm chiếm cao nhất là lực lượng lao động trình độ ĐH, CĐ, TCCN và người có kinh nghiệm làm việc. Nhu cầu tìm việc cao nhất ở người có trình độ ĐH, chiếm hơn 52%. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng đối với nhân lực CĐ - ĐH - sau ĐH chỉ chiếm 27,76%. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ ĐH tại các khu chế xuất, khu công nghiệp càng thấp hơn nữa, chỉ gần 3%.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng một lý do quan trọng là sự tập trung việc làm ở các vùng đô thị. Thống kê của Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy nhu cầu học nghề và tìm việc làm của sinh viên, người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến TP.HCM tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người tìm việc thường xuyên (khoảng trên 40%). Nguồn nhân lực này cạnh tranh gay gắt với sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ, trường quốc tế, các chương trình liên kết, người nghỉ việc từ doanh nghiệp giải thể… Điều này dẫn đến việc làm đáp ứng không đủ.
Trong khi đó, học sinh đa số vẫn chọn học ĐH (87%), CĐ chỉ 7% và TCCN là 6%. Những nhóm ngành nghề được học sinh chọn lựa nhiều nhất trong năm 2016 lần lượt là: kỹ thuật công nghệ, kinh doanh dịch vụ, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - tài chính…
Trong năm vừa qua, tại TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng lao động chiếm tỷ lệ cao chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như: kinh doanh - bán hàng (24,19%), dịch vụ - phục vụ (20,41%), công nghệ thông tin (5,63%), dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn (5,5%)...
Bình luận (0)