Cụ thể, các nhà sử học dự hội thảo đưa ra nhiều bằng chứng kiến giải về hoàn cảnh lịch sử của sự thay đổi vương triều và những đóng góp của nhà Mạc (1527-1592) với tiến trình phát triển, chuyển đổi ý thức hệ của phong kiến Việt Nam thế kỷ 16".
Hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Hoàng Giang và nhiều chuyên gia sử học như: GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo, ĐHQG Hà Nội; PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; GS-TS Nguyễn Văn Kim; PGS-TS Vũ Văn Quân, ĐHQG Hà Nội; đại diện Hội Khảo cổ học Việt Nam; đại diện Mạc tộc, các dòng họ Trần, Vũ…
Những tiến bộ thời nhà Mạc
Theo GS Vũ Minh Giang, trong lịch sử Việt Nam, vương triều Mạc tồn tại 150 năm, trong đó 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527 - 1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592 - 1677). Hải Phòng là nơi phát tích của vương triều Mạc, với thời gian trị vì tại kinh thành Thăng Long không nhiều nhưng để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà.
Theo GS Nguyễn Văn Kim, dấu ấn sâu đậm nhất vị vua đầu tiên của Vương triều Mạc là Mạc Đăng Dung nhận thấy những hạn chế trong khuôn mẫu cơ chế vận hành của một thiết chế chính trị tập quyền cao thời Lê sơ nên lựa chọn xác lập một con đường và mô hình phát triển mới để hóa giải những mâu thuẫn khuynh hướng chính trị trong xã hội Đại Việt thế kỷ 15.
Vua Mạc Đăng Dung nhận thấy không thể tiếp tục duy trì tư tưởng độc tôn Nho giáo nên đã chủ trương duy trì một cơ chế đa dạng về tôn giáo. Thời điểm này tam giáo Nho, Phật, Đạo đều song hành tồn tại. Tư duy của ngài thể hiện sự mẫn cảm chính trị, khả năng thích ứng cao với thực tế xã hội.
Cùng với đó, xuất thân từ vùng ven biển nhiều đời gắn liền với việc khai thác biển, các vua Mạc nhìn chung đều thực thi một "chính sách hướng Đông". Đặc biệt, nhà Mạc ghi dấu ấn với những chính sách nội thương, ngoại thương. Kinh tế công thương tiêu biểu nhất là ngành gốm sứ. Không chỉ là sản phẩm thủ công, gốm Mạc đã trở thành hàng hóa, là sản phẩm xuất khẩu của Đại Việt.
Tại hội thảo, GS Đinh Khắc Thuân chia sẻ những hình ảnh mới về văn bia thời Mạc, đây là nguồn tư liệu quý, cung cấp nhiều thông tin quan trọng. Theo GS Thuân, giới sử học đã sưu tập được 186 bia, trong đó 182 bia có niên hiệu của nhà Mạc và hầu hết được tìm thấy ở châu thổ sông Hồng.
"Nhiều văn bia cho thấy vua nhà Mạc đã có những dấu ấn ở các làng xã, phản ánh rõ nét thái độ của tầng lớp nhân dân đương thời và uy thế của nhà Mạc đã được ghi nhận ở phần lớn đất nước lúc bấy giờ", ông Thuân nói.
Khẳng định vị thế vương triều Mạc
Các tham luận tại hội thảo nhấn mạnh giai đoạn cầm quyền ở Thăng Long, triều Mạc có đóng góp quan trọng, khẳng định vị thế của vương triều này đối với lịch sử đất nước. Trong khoảng 4 thập niên trở lại đây, những đóng góp về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt thời Mạc được nghiên cứu, luận giải một cách khách quan, khoa học và toàn diện hơn để có những đánh giá thực tế về công lao, đóng góp của triều đại này.
Theo TS Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc, sau nhiều biến động, thế kỷ 16 - 17, con cháu nhà Mạc phải thay tên đổi họ lưu lạc khắp đất nước nhưng giờ đây tất cả đều tìm về nguồn cội và bày tỏ khát vọng: "Phải nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, đánh giá đúng sự thật".
GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh cần nhìn nhận triều Mạc bình đẳng khách quan như các triều đại phong kiến khác ở Việt Nam. Kết quả của hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học, sử liệu tin cậy, quan điểm khách quan, toàn diện về sự đóng góp của vương triều này và giới sử học sẽ có những đánh giá xứng đáng, được thể hiện xứng tầm trong bộ quốc sử của nước ta và sách giáo khoa.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết hội thảo là sự kiện rất ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 540 năm ngày sinh của vua Thái Tổ Mạc Đăng Dung (22.12.1483).
Tại TP.Hải Phòng, những năm qua chính quyền và nhiều đơn vị cùng với Hội đồng Mạc tộc đã có những hoạt động, việc làm cụ thể tôn vinh sự đóng góp, những di sản của vương triều này để lại.
Bình luận (0)