Chiều 10.3, tại TP.Pleiku (Gia Lai), Bộ TN-MT tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham dự của lãnh đạo 5 tỉnh Tây nguyên và 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; một số bộ, ngành T.Ư; các sở, ban, ngành và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.
Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến có giá trị vào dự thảo luật Đất đai (sửa đổi). Lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên và 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cho biết sau khi có Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23.12.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều kênh thông tin để tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Các vấn đề trọng tâm của dự thảo luật như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất… được hội thảo luận giải, phân tích, tham gia ý kiến trên cơ sở thực tiễn, đặc thù đất đai ở Tây nguyên.
Đặc biệt tại Tây nguyên, nơi có những đặc thù riêng, nhất là các vấn đề về lịch sử, di dân tự do, là vùng có nhiều dân tộc thiểu số, đất lâm nghiệp chiếm đa số… Vì vậy, ở một số nội dung phải quy định cụ thể và không chồng chéo với các luật khác; quản lý đất nông, lâm trường, chính sách đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quy định giá đất sát với thị trường…
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết hội thảo lần này giúp có thêm luận cứ để hoàn thiện tốt hơn trong quá trình xây dựng luật. "Mong muốn luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Tây nguyên cũng như các địa phương khác trong toàn quốc; tăng cường hiệu quả việc sử dụng đất…", ông Ngân nói.
Bình luận (0)