Cần sự tham gia của bộ ngành trong kiểm soát thuốc lá toàn diện

17/11/2021 15:00 GMT+7

Việt Nam là một trong những quốc gia ký kết sớm nhất Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có những thành tựu được ghi nhận trong chiến lược kiểm soát thuốc lá.

COP9 họp trực tuyến, tiếp tục thảo luận về kiểm soát thuốc lá

FCTC là công ước được xây dựng nhằm kiểm soát tác hại thuốc lá và tạo ra khung pháp lý mới cho hợp tác hành động trong lĩnh vực kiểm soát thuốc lá. Công ước khung FCTC bao gồm các giải pháp kiểm soát thuốc lá toàn diện thuộc các bộ ngành khác nhau như vấn đề, bao bì, dán nhãn, kiểm soát buôn lậu, thương mại, phân phối, quảng cáo… Hiện nay, FCTC là hiệp ước y tế toàn cầu về kiểm soát thuốc lá với sự tham gia của 193 quốc gia thành viên và Việt Nam là thành viên của FCTC từ năm 2005.

Ngày 8.11.2021,Hội nghị các bên (quốc gia) tham gia FCTC khai mạc phiên họp thứ 9 (được gọi là COP9) là hội nghị định kỳ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức bàn về Khung kiểm soát thuốc lá (FCTC) với sự tham gia của đại diện của 193 nước thành viên. Tham dự hội nghị, đoàn Việt Nam gồm 16 thành viên trong đó đại diện Bộ Y tế làm trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của đại diện các Bộ ban ngành khác như Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Phiên bế mạc của kỳ họp COP9

Ảnh: WHO FCTC

Tuy nhiên không như các kỳ họp từ COP8 trở về trước, COP9 là phiên bản ngắn gọn tạm thời do tình hình dịch Covid-19 nên chưa phải là phiên bản đầy đủ đối với các vấn đề liên quan đến thuốc lá thế hệ mới được đánh giá từ chính phủ các nước, các chuyên gia tổ chức độc lập, các nhà khoa học trên toàn cầu. Dù vậy, phiên họp COP9 cũng là một trong những cơ sở tham chiếu cho các cơ quan ban ngành liên quan về quản lý kiểm soát thuốc lá tham khảo, bên cạnh những ý kiến độc lập của các Bộ ngành dựa trên tình hình thực tiễn của quốc gia.

Kiểm soát tác hại thuốc lá: Cần sự hợp lực và ý kiến của nhiều Bộ ngành liên quan

Theo WHO, thế giới vẫn sẽ có hơn 1 tỉ người hút thuốc lá như hiện nay và con số này sẽ “đi ngang” trong nhiều năm tới. Thực tế, các chuyên gia y tế đều nhìn nhận rằng với nam giới trưởng thành việc cai bỏ hoàn toàn thuốc lá là điều khó khăn và khói thuốc chính là nguyên nhân gây hại đến sức khỏe người hút và cộng đồng. Do vậy, để tận dụng đầy đủ và trọn vẹn những hướng dẫn mà Công ước khung FCTC đã đề ra, cần có sự phối hợp ý kiến đóng góp của các bộ ban ngành liên quan dựa trên tình hình thực tiễn, vì việc kiểm soát thuốc lá là một thách thức trong nước cũng như quốc tế.

Cũng xoay quanh cách tiếp cận về giảm thiểu tác hại thuốc lá trong năm 2021, trên toàn cầu đã có 100 chuyên gia về giảm thiểu tác hại đã gửi Thư ngỏ tới các bên tham gia Công ước khung FCTC. Thư ngỏ kêu gọi và nhấn mạnh các quốc gia nên có lập trường cởi mở hơn và dựa trên bằng chứng về giảm thiểu tác hại thuốc lá.

Trong thư, các chuyên gia bày tỏ mối quan ngại về cách tiếp cận truyền thống của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) “Thông qua việc cấm hoặc quy định và đánh thuế quá mức đối với các sản phẩm thay thế không đốt cháy”. Đồng thời các chuyên gia cũng kêu gọi WHO và các quốc gia nên xem xét áp dụng hướng tiếp cận giảm thiểu tác hại thuốc lá như là một phần của chiến lược toàn cầu nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững cho sức khỏe; phân tích chính sách nhằm đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ để có giải pháp phù hợp cho sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, đến nay khung pháp lý dành cho thuốc lá thế hệ mới vẫn còn đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ, dù các Bộ ngành liên quan cũng đã điều chỉnh nhiều lần để phù hợp với tình hình thực tiễn dựa trên ý kiến đóng góp các bên.

Dù chưa được phép thương mại nhưng những sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đến từ các nguồn “chợ đen” hiện đang tăng nhanh, gây ra nhiều ảnh hưởng về mặt sức khỏe lên cộng đồng. Do vậy, theo chia sẻ của Bộ Công thương, cơ quan được Chính phủ trực tiếp yêu cầu phối hợp với các cơ quan bộ ngành đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới, đơn vị này đang cho biết đã trình đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động của sản phẩm đối với sức khỏe cộng đồng và các chủ thể liên quan. Theo các chuyên gia nhận định, thí điểm cũng là thời gian để đánh giá thực tiễn những tác động của sản phẩm để từ đó hoàn thiện khung pháp lý chính thức. Khung pháp lý sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu quản lý những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện nay là thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng mà còn là những sản phẩm dự kiến sẽ có mặt trong tương lai.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng về quản lý thuốc lá thế hệ mới. Theo công văn số 7830 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương sẽ cùng Bộ Y tế thảo luận về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới và Bộ Công thương tiếp tục chủ trì phối hợp cùng Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan để nghiên cứu và đề xuất trình Chính phủ đưa ra quyết định, dự kiến cuối năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.