Một trong những nét mới trọng tâm của Đề án tổng thể đổi mới công tác thi, tuyển sinh là tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, xuất phát từ 2 lý do.
Thứ nhất, hằng năm cả nước tổ chức nhiều kỳ thi với những đặc điểm: các kỳ thi giống nhau (cùng nội dung chủ yếu là kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong chương trình lớp 12 THPT), cho cùng một đối tượng dự thi (HS học xong chương trình THPT); Các kỳ thi diễn ra liên tục về thời gian, diễn ra đồng loạt, có quy mô lớn, khó kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều khâu trong quy trình thi không đảm bảo khách quan, chính xác, do đó dễ xảy ra không công bằng dẫn đến đánh giá không đúng năng lực của HS.
Đề thi theo hình thức tự luận dùng cho hàng triệu học sinh bộc lộ nhiều hạn chế như dễ lộ đề thi; không bao quát hết nội dung chương trình; thí sinh dễ "trúng tủ" hoặc "trật tủ"; Kết quả thi thường thiếu khách quan, thiếu đồng đều vì người chấm phải chấm quá nhiều bài; dễ gian lận khi in sao đề, làm bài và chấm bài; có trường hợp tùy tiện thay đổi điểm hàng loạt bài thi...
Thứ hai, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đã nghiên cứu và thử nghiệm cách tổ chức một kỳ thi. Liên bang Nga là một ví dụ. Là một trong số (chưa đến 10%) nước vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp PT và kỳ thi tuyển sinh ĐH riêng, nhưng gần đây Nga đã chính thức quyết định từ năm 2008 sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia hợp nhất để đánh giá tốt nghiệp bậc giáo dục phổ thông, và sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh vào các trường ĐH công lập, THCN. Bộ trưởng GD Nga cho biết: "Ưu điểm của kỳ thi hợp nhất là vừa giảm tốn kém cho HS, đồng thời tạo ra sự bình đẳng và tiện ích đối với nhu cầu dự tuyển vào ĐH của thí sinh các địa phương, nhất là HS các vùng xa xôi. Trong đề thi phải đồng thời phân loại các mức trình độ khác nhau của học sinh: mức thấp chỉ kiểm tra kiến thức theo yêu cầu cơ bản trong chương trình khung chuẩn giáo dục phổ thông, nhằm đánh giá thí sinh chỉ muốn (hay chỉ đạt mức) tốt nghiệp PT; Câu hỏi khó hơn để phân loại, tuyển HS vào các trường ĐH diện rộng; Loại câu hỏi khó nhất nhằm chọn HS có năng lực chuyên sâu tuyển cho các trường ĐH hàng đầu hoặc các chuyên khoa đặc biệt...". Theo tôi, với những ưu điểm trên, kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được những yêu cầu cơ bản để cải thiện tình hình thi cử ở nước ta hiện nay.
Có dư luận cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 đã có chuyển biến tốt, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề trong công tác coi thi, vậy kết quả của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ đang có dự kiến thực hiện sắp tới đây có đủ độ tin cậy?
Bộ cũng đã có 7 giải pháp trong kỳ thi THPT quốc gia.
1. Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức việc ra đề, những khâu còn lại địa phương chịu trách nhiệm.
2. Tổ chức thi tại địa phương với sự phân cấp trách nhiệm cụ thể giữa Bộ GD-ĐT với các địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh/thành phố với các trường ĐH, CĐ, THCN trong việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức kỳ thi.
3. Tăng cường lực lượng giám sát từ các trường ĐH, CĐ (dự kiến khoảng 8 nghìn cán bộ, giảng viên) làm công tác thanh tra, giám sát khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo. Dự kiến tăng số thanh tra viên coi thi, đảm bảo khoảng 7 phòng thi có 1 thanh tra viên.
4. Cơ bản chuyển hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm đối với các môn thi, trừ môn Ngữ văn kết hợp tự luận và trắc nghiệm.
5. Thực hiện chấm thi trắc nghiệm bằng máy và công cụ tin học.
6. Sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong quy trình tổ chức thi để bảo đảm sự minh bạch về thông tin, dữ liệu của kỳ thi.
7. Chuyển việc tuyển sinh theo khối thi A, B, C, D như hiện nay sang việc xét tuyển theo ngành đào tạo.
Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ quan trọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, THCN. Cụ thể: Về công nhận tốt nghiệp THPT: Sở GD-ĐT căn cứ quy chế công nhận tốt nghiệp, căn cứ kết quả thi 5 môn tốt nghiệp và kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) của người học đạt điểm tối thiểu trở lên để công nhận tốt nghiệp THPT (điểm tối thiểu do Bộ GD-ĐT quy định chung trên toàn quốc).
Về xét tuyển vào ĐH, CĐ, THCN: Hằng năm, Ban chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT sẽ xác định điểm sàn tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, THCN trước kỳ thi 1 năm, các trường ĐH, CĐ, THCN phải công bố chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành và các tiêu chí xét tuyển (gồm những môn thi và các điều kiện khác, nếu có) để xét tuyển theo từng ngành. Toàn bộ các quy trình xét tuyển, nhập học của các thí sinh sẽ được công bố công khai trên mạng.
TS Nguyễn An Ninh
(Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định CLGD)
Bình luận (0)