Cần Thơ đón chào vận hội mới

Quang Minh Nhật
Quang Minh Nhật
27/04/2022 16:49 GMT+7

Thành phố Cần Thơ, trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang đón chào nhiều cơ hội mới nhằm đẩy mạnh phát triển mọi mặt.

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ kiểm tra công tác chuẩn bị lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ vào chiều 5.4.2022

Quốc hội ngày 11.1.2022 đã thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ (NQ45). Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.

Đại diện UBND thành phố Cần Thơ ký kết hợp tác với UBND tỉnh Hậu Giang

Ảnh: Quang Minh Nhật

Nhiều chính sách đặc thù

Theo ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, NQ45 cho phép Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Hằng năm, ngân sách T.Ư bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố Cần Thơ không quá 70% số tăng thu ngân sách T.Ư từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. HĐND thành phố Cần Thơ quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. HĐND thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. “Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng những điều kiện như: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư… Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm) là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến, cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản. Doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Trung tâm…”, ông Lê Quang Mạnh thông tin.

Một góc đô thị sông nước Cần Thơ

Thành phố trung tâm vùng

Thủ tướng Chính phủ ngày 28.2.2022 đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định 287 nhấn mạnh thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc T.Ư, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng; cung ứng các dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Cần Thơ sẽ sớm trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giáo dục - đào tạo; y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; là cửa ngõ kết nối vùng với quốc tế.

Ngày 6.4.2022 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo T.Ư, địa phương, người dân đã tham dự lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ rộng 39.033 m2, tọa lạc tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, trên trục đường 2 chiều Võ Văn Kiệt, cách sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 2 km, tổng vốn đầu tư gần 130 tỉ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest tài trợ. Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tục lệ thờ cúng Hùng Vương luôn được con cháu người Việt giữ gìn và thành kính tôn nghiêm. Thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm, lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ và đồng bào vùng ĐBSCL, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ. “Sau hơn 2 năm nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao, chúng ta vui mừng khánh thành Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ. Đây là điểm hội tụ tâm linh tại vùng đất phương Nam, vùng đất chín rồng, anh dũng quật cường. Tôi tin rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh, kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi thử thách thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đền thờ các Vua Hùng tại vùng đất phương Nam là điểm kết nối linh thiêng và trở thành điểm nhấn trung tâm tại khu vực ĐBSCL, lan tỏa kết nối mạng lưới di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách tham quan, chiêm bái, tưởng niệm…”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.