Khó không có nghĩa là không làm được
Nếu nói rằng các doanh nghiệp thuê nông dân, xe ôm làm giám đốc để mua bán hóa đơn nên không xử lý được nghĩa là pháp luật chịu thua? Phải có cách nào đó để xử lý, truy tố những người phạm pháp, đồng thời thu lại số tiền thuế bị chiếm đoạt. Nếu nói không xử lý được thì tội phạm sẽ làm theo cách này để chiếm đoạt tiền thuế ngày càng nhiều, lúc đó sẽ ra sao? Từ sự việc này, cơ quan chức năng cũng cần thẩm tra thật kỹ nhân thân những người đứng tên doanh nghiệp. Đoàn Thị Thủy (votudilam@gmail.com)
Luật chưa đi vào cuộc sống
Đây là một trong những ví dụ minh chứng cho việc luật không phù hợp với cuộc sống cũng như có lỗ hổng của pháp luật về thuế. Chiếm đoạt tiền thuế bằng những hình thức tinh vi như thế mà xử lý quá nhẹ nên loại tội phạm này ngày càng gia tăng. Đã đến lúc phải thay đổi luật, tăng nặng hình phạt đối với tội phạm này. Nguyễn Tiểu Minh (congtutieuminh@yahoo.com)
Cần cảnh báo nông dân
Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người nông dân về việc bị lợi dụng, bị lừa đảo khi được thuê làm giám đốc, chủ doanh nghiệp. Thực trạng này không chỉ diễn ra thời gian gần đây mà đã có từ nhiều năm trước. Nhiều nông dân, xe ôm đã rơi vào vòng lao lý khi bị thuê làm giám đốc để chỉ bán hóa đơn, chiếm đoạt thuế Giá trị gia tăng của nhà nước và đã được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải. Hồ Thị Miên Viễn (Tân Phú, TP.HCM)
Tăng cường kiểm tra
Để tránh việc chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản, cách tốt nhất là quản lý thị trường phải vào cuộc thường xuyên, tăng cường kiểm tra việc thu mua các mặt hàng nông sản. Những mặt hàng nào không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ thì tịch thu. Làm được như vậy, thực trạng trên sẽ giảm hẳn. Văn Thành Nhân (nhan_van54@yahoo.com)
Vào Google, gõ cụm từ “bán hóa đơn đỏ” sẽ có mười mấy triệu kết quả hiện ra. Việc rao bán hóa đơn hiện nay khá tràn lan, rầm rộ, điều đó chứng tỏ việc quản lý, kiểm soát hóa đơn, chứng từ của ta còn khá lỏng lẻo. Trần Văn Hạnh (Q.6, TP.HCM) Tội nghiệp những nông dân bị lợi dụng khi họ được thuê làm giám đốc doanh nghiệp này, công ty kia rồi sau đó mới biết mình bị lừa, bị vi phạm pháp luật. Chỉ đến khi nào không còn những “giám đốc nông dân” thì khi đó, tình trạng mua bán hóa đơn trong lĩnh vực nông sản mới chấm dứt được. Lâm Thị Hường (Xuân Lộc, Đồng Nai) Thanh Đông |
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
Bình luận (0)