Cẩn trọng với rượu bổ tự chế

06/02/2019 11:59 GMT+7

Một người đàn ông đã hôn mê sau khi cùng bạn uống rượu "bổ" trong bữa nhậu đón năm mới.

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay một nam bệnh nhân 27 tuổi bị hôn mê phải nhập viện sau khi tham dự buổi liên hoan cùng các bạn. Các xét nghiệm cho thấy, các chỉ số kali máu, đường máu của bệnh nhân hạ thấp, rối loạn nhịp tim. Rất may bệnh nhân được đưa vào cấp cứu kịp thời.
Sau khi bình phục, bệnh nhân này cho biết: “Trong buổi liên hoan 12 người dự, em cùng các  bạn uống rượu bổ ngâm quả táo mèo, khoảng 4 lít. Đến cuối bữa nhậu em thấy mệt, nôn nhiều và không biết gì nữa”.
Bác sĩ điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng bất tỉnh, tri giác lơ mơ. Rất may là đã được đưa vào cấp cứu kịp thời, nếu muộn sẽ có rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng".
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao thời điểm nghỉ tết. Hầu như ngày nào, trung tâm cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện, điều trị trong tình trạng khác nhau.
Gia tăng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu trong kỳ nghỉ tết Ảnh Mai Thanh
Về tác hại của rượu bia với sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, dù uống rượu, bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan, hệ tiêu hóa.
Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là loại “độc chất” gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể, dễ nhiễm bệnh và khi nhiễm bệnh thì có nguy cơ nặng hơn.
Cũng theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyên, đã là rượu,  khi uống vào đều có tác hại với cơ thể, ngay cả là rượu “bổ” tự ngâm, đặc biệt nguy cơ gây hại cao khi lạm dụng rượu. Khi uống rượu, dù là rượu bổ hay "xịn" cũng cần phải ăn đầy đủ để không bị hạ đường huyết. Hạ đường huyết khá thường gặp ở bệnh nhân lạm dụng rượu, ngộ độc rượu. Nếu không được khắc phục sớm, hạ đường huyết có thể gây tổn thương não, hôn mê não. 
"Người dân cần có ý thức không lạm dụng rượu và đồ uống có cồn, vui xuân nhưng không quên giữ gìn sức khỏe", bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Nên uống nước nhiều hơn

Chuyên gia về phòng chống ngộ độc thực phẩm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý, ngộ độc rượu đã thực sự trở thành nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng ở Việt Nam, trong đó đã xảy ra các vụ ngộ độc do uống rượu tự sản xuất. Nguyên nhân là do tình trạng buôn bán, sử dụng rượu pha, rượu "bổ" ngâm các loại cây, con theo kinh nghiệm cá nhân, không đảm bảo an toàn thực phẩm; rượu ngâm nhầm với những cây độc.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo cần sử dụng rượu bia hợp lý, lý tưởng nhất vẫn là không nên uống rượu bia; nếu đã uống chỉ nên giữ ở mức không quá 2 đơn vị rượu/ngày đối với nam giới và không quá 1 đơn vị rượu/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong 1 tuần.
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống; 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Trong trường hợp vì một lý do nào đó bắt buộc phải uống rượu thì chỉ được uống ít rượu (1 ly bia hoặc 1 chén nhỏ rượu) và trong khi uống nên ăn nhiều thức ăn giàu đạm, uống nước nhiều hơn để giảm hấp thu rượu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.