Ngày 27.8, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hội nghị tại TP.Huế để báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ TN-MT về chất lượng nước biển sau sự cố môi trường do Formosa gây ra vừa qua.
Đại diện Bộ NN-PTNT đã trình bày một số chính sách trong đề án xác định bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng, như vay vốn tín dụng để đóng tàu, phát triển sản xuất; các chính sách về an sinh xã hội như hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm; các chính sách về khôi phục hoạt động du lịch...
tin liên quan
20 tấn sứa ế ẩm phân hủy, bốc mùi vì không ai mua, tiểu thương khóc ròng20 tấn sứa tồn kho tại cơ sở chế biến sứa Cửa Việt (xã Gio Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị) đang phân hủy, bốc mùi vì ế ẩm. Sự cố Formosa vẫn tiếp tục để lại hệ lụy cho các tiểu thương kinh doanh hải sản.
3 tháng chưa trả lời
Tại hội nghị, một thách thức được đặt ra là những kho đông lạnh hải sản tồn kho. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho hay hiện 4 tỉnh còn 3.900 tấn hải sản ở các kho đông lạnh cần được nhanh chóng xử lý. Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho rằng đối với các kho lạnh tồn tại ở 4 tỉnh còn khá nhiều, nhưng cần phân rõ các kho đông lạnh thu mua trước và sau thời điểm tháng 6.2016.
Nếu trước thời điểm tháng 6.2016 thì không an toàn cho sức khỏe, cần tiêu hủy. Đối với cá tồn kho sau tháng 6.2016 thì cần sự phối hợp để kiểm nghiệm, trả lời cho người dân có ăn được hay không.
Tuy nhiên, giám định và công bố mẫu hải sản an toàn lại là vấn đề còn nhiều nhập nhằng. Cần thực hiện tổng lực, lấy mẫu kiểm nghiệm tại nhiều bến cá, cảng cá trong vòng 10 - 15 ngày để kiểm nghiệm mẫu và có tổng chỉ huy dưới sự chủ trì của Bộ Y tế để xem hải sản có an toàn hay chưa.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn thẳng thắn nêu ý kiến: Bộ NN-PTNT quá dựa vào Bộ Y tế về việc công bố mẫu kiểm nghiệm nên việc công bố kết quả mẫu rất chậm chạp.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên-Huế, nhận định: “Để tiêu thụ sản phẩm, tâm lý người tiêu dùng phải thay đổi, mà điều này phụ thuộc vào sự an toàn của hải sản. Trả lời câu hỏi hải sản đã an toàn chưa là mở tất cả các nút thắt hiện nay. Thế nhưng T.Ư quá chậm. Kết quả phân tích 3 tháng trời không có. Địa phương gửi mẫu ra T.Ư cũng không báo kết quả về địa phương. Địa phương chúng tôi cũng phân tích theo 4 tiêu chí được hướng dẫn. Có kết quả chúng tôi báo cáo UBND tỉnh nhưng lãnh đạo tỉnh thì thận trọng, không dám công bố khi T.Ư chưa công bố”.
Không được bỏ sót người buôn thúng bán mẹt
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đặt băn khoăn còn nhiều đối tượng bị ảnh hưởng chưa được bộ ngành quan tâm hướng dẫn kê khai bồi thường, hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thì các đối tượng lao động mất việc làm ở các cơ sở dịch vụ thương mại, các lao động trong các cơ sở nuôi trồng thủy sản, các cơ sở dịch vụ ăn uống ven biển, hay lao động nuôi hải sản trên cát... đều bị ảnh hưởng nhưng chưa thấy bộ hướng dẫn kê khai hỗ trợ.
“Những đối tượng buôn bán hải sản nhỏ, làm các ngành nghề hấp sấy, làm mắm, ruốc, kể cả vá chài vá lưới quy mô nhỏ; hộ kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ lẻ, như những o chỉ cắm cái chòi kinh doanh ngoài biển kiếm sống cũng cần bộ hướng dẫn kê khai hỗ trợ”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng bổ sung.
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết chậm nhất là đến 10.9, các địa phương phải “chốt” phương án để trình Chính phủ tổng hợp, có cơ sở để phân bổ về các địa phương trên số tiền 500 triệu USD (11.500 tỉ đồng) đền bù của Formosa. “Việc bồi thường, hỗ trợ đừng để lọt đối tượng. Phát huy dân chủ từ cơ sở, công khai minh bạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Sau khi thống kê, niêm yết công khai minh bạch thông tin để người dân và các tổ chức xã hội giám sát”, ông Tám nói.
Liên quan đến phương án đánh bắt hải sản, Bộ NN-PTNT thống nhất từ nay bỏ quy định khu vực đánh bắt hải sản ở 4 tỉnh Hà Tĩnh vào Huế “ngoài 20 hải lý trở ra”, đồng thời cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển nhưng tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm; thống nhất không đánh bắt ở 3 vùng nước xoáy (Sơn Dương - Hà Tĩnh, Nhật Lệ - Quảng Bình và Sơn Chà - Thừa Thiên-Huế) và không được đánh bắt hải sản ở tầng đáy bởi nó không chỉ là vấn đề an toàn thực phẩm mà ở tầng đáy thì các nguồn lợi thủy sản đang phục hồi, còn non cần được bảo vệ.
Bình luận (0)