Càng chống càng ngập, tại sao ?

11/03/2006 00:42 GMT+7

Trong khuôn khổ hội thảo "Ngập lụt đô thị: Những bài học kinh nghiệm cho phát triển bền vững" do Trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng (CUCD) thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức ngày 10/3, nhiều vấn đề kinh niên của căn bệnh ngập nước tại TP.HCM đã được các nhà khoa học "mổ xẻ".

Chống chỗ này, ngập chỗ kia

Giáo sư - Tiến sĩ Lê Huy Bá, Giám đốc Trung tâm Môi trường sinh thái nhân văn thuộc Đại học Bách khoa TP.HCM dẫn ra một kết quả khảo sát của JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) cho rằng tổn hại kinh tế do ngập nước ở TP.HCM mỗi năm lên đến 8 tỉ đồng. Không chỉ có thế, ngập nước đã trở thành nỗi ám ảnh, là căn bệnh kinh niên ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu cư dân và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị. Ông nói: "Hiện có tới 85% các điểm ngập nước tập trung tại khu vực trung tâm TP.HCM. Đó là các quận 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận và một phần các quận Bình Thạnh, Tân Bình, huyện Bình Chánh. Tổng diện tích bị ngập lên đến 140 km2". Có 4 nguyên nhân chính gây ngập nước là do nước mưa; điều kiện mặt đệm; chịu ảnh hưởng của thủy triều và đặc biệt là do cấu trúc hệ thống thoát nước không còn phù hợp. Toàn bộ quá trình xử lý tình trạng ngập nước tại TP.HCM từ trước đến nay là không khả thi, cho nên việc xóa ngập không những không thực hiện được trọn vẹn mà còn phát sinh những điểm ngập mới. Không giải quyết được nạn ngập nước - theo GS Bá - là "vì chưa nắm vững bản chất vật lý của khu vực bị ngập nước và khu vực nhận nước tiêu thoát, chưa thấy hết được tính mất cân bằng của lưu vực đô thị trong quá trình đô thị hóa". "Vì vậy, nếu cứ giải quyết ngập nước đô thị theo các biện pháp tình thế như hiện nay (tôn cao mặt đường, đặt trạm bơm tại các điểm ngập nước) thì bài toán thoát nước không những không được giải quyết tối ưu mà còn trở thành rối rắm thêm. Bởi, nâng nền hoặc bơm thoát nước chống ngập được ở chỗ này lại dồn nước gây ngập cho khu vực xung quanh" - GS Bá nói.

"Cho đến trước 1975, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch danh tiếng của Pháp cũng như của Việt Nam như kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, kỹ sư Trần Lê Quang đều thống nhất cao về hướng phát triển chính của TP là bắc, đông bắc (Thuận An - Bình Dương, Biên Hòa) và tây bắc (Củ Chi). Các ông đưa ra khuyến cáo là bất luận trong trường hợp nào TP cũng không được phát triển công nghiệp và tiến hành đô thị hóa về hướng nam và đông nam TP (Nhà Bè, Cần Giờ và một phần Bình Chánh) vì đó là khu vực trũng. Nó chính là túi để chứa nước khi mưa to, khi nước sông dâng lên tràn vào TP. Nếu có xây cất thì chỉ là nhà thấp tầng, nhà vườn và phải duy trì hình thái nông nghiệp sinh thái, không được bê tông hóa bề mặt, để cho nước ngấm, bởi vì TP có độ dốc từ bắc xuống nam".

(Trích tham luận của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa)

Giải pháp chống ngập được nhiều đại biểu nêu lên là phải có quy hoạch đô thị hợp lý và phải tính đến việc xóa bỏ sự mất cân bằng giữa lượng nước đến và lượng nước đi. Đó là phải tăng thêm đường ống thoát nước và tổ chức xây dựng các hồ điều hòa để lượng nước mưa không bị ứ đọng lâu, gây ngập lụt dây chuyền ở nhiều khu vực.

Ngập nước còn trầm trọng hơn

Bà Phạm Thị Thanh Hải - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị TP.HCM cho biết, hệ thống cống thoát nước hiện nay của TP.HCM quá cũ kỹ. Phần lớn trong số 777 km cống cấp 2 và cấp 3 được xây dựng cách đây 50 năm, có đến 113 km cống được xây dựng cách đây trên 100 năm. Qua khảo sát cho thấy hệ thống cống tại các quận 1 và 3 tương đối tốt, còn lại ở các quận ven thì hệ thống cống đáp ứng được việc tiêu thoát nước chỉ 20 - 30%. Bà Hải cũng cho rằng ngoài các nguyên nhân tự nhiên gây ngập nước như địa hình trũng thấp, triều cường, mưa lớn... còn có các nguyên khác rất quan trọng như quản lý vĩ mô còn yếu kém, sai lầm trong quy hoạch (QH), thiếu vốn cho đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, chính sách bất cập...


Thiệt hại kinh tế do tình trạng ngập nước gây ra cho TP.HCM  - theo JICA - lên đến 8 tỉ đồng/năm

Trao đổi thêm với Thanh Niên, bà Hải cho biết: "Đến nay, toàn TP chỉ mới có quận Tân Bình, Tân Phú và quận 2 là đã hoàn chỉnh điều tra, khảo sát và có quy định về cốt nền (cao độ công trình). Các quận khác vẫn đang tiến hành. Tuy nhiên, để có cốt nền chuẩn, phải dựa vào QH giao thông tổng thể mà cho đến nay QH giao thông vẫn chưa được phê duyệt cho nên việc xây dựng cốt nền chuẩn cho các quận huyện vẫn rất khó thực hiện vì thiếu căn cứ". Thực tế trên đã dẫn đến tình trạng là tại các dự án ở nhiều quận huyện, mạnh ai người nấy xây dựng và nguy hại nhất là các dự án này lại không nối kết được với nhau. Trong một tương lai không xa, tình trạng ngập nước sẽ trầm trọng hơn.

Một đại biểu nêu câu hỏi: "TP đã bỏ ra hàng trăm triệu USD từ nguồn vốn vay ODA để giải quyết việc ngập nước thông qua việc nạo vét các lưu vực. Xin cho biết có thể giải quyết căn bản được tình trạng ngập nước hay không?". Bà Phạm Thị Thanh Hải cho biết, để giải quyết căn cơ nạn ngập nước, không chỉ là nạo vét các lưu vực (các dự án này cũng vừa đang triển khai) mà còn phải áp dụng các biện pháp khác, không loại trừ các biện pháp tình thế như xây dựng các công trình kiểm soát triều cường ở khu vực Rạch Lăng - Bình Lợi - Bình Triệu - Cầu Bông, rạch Văn Thánh; lắp đặt 20 trạm bơm với tổng công suất 50.000 m3/giờ hoặc ứng dụng kỹ thuật sinh thái (một kỹ thuật giữ nước mưa cho thấm xuống bề mặt để hạn chế việc nước mưa thoát ra hệ thống thoát nước, giảm bớt áp lực thoát nước cho hệ thống cống)...

Phó GS-TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc CUCD, đã dẫn ra một số đề án chống ngập nước khả thi cách đây hơn 150 năm của một người Pháp tên là Coffyn; của kỹ sư Pugnaire vào năm 1943 và đặc biệt là của kỹ sư Lê Văn Lắm vào năm 1968. Tất cả các đề án trên đây, theo ông Nguyễn Minh Hòa đều có thể tham khảo và vận dụng rất tốt vào thực tế chống ngập nước tại TP.HCM hiện nay.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.