Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời một quan chức CHDCND Triều Tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tuyên bố CHDCND Triều Tiên "sẵn sàng từ bỏ các chương trình hạt nhân của nước này và trở lại bàn đàm phán 6 bên" và "có thể làm điều đó chỉ khi Mỹ thực thi những biện pháp tương ứng". Giới phân tích cho rằng tuyên bố hôm 9/10 của CHDCND Triều Tiên có thể là một kế sách nhằm gây sức ép buộc Mỹ ngừng phong tỏa tài chính đối với nước này để tiến đến đàm phán tay đôi.
Một vụ thử thứ hai? Hôm qua, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-seok nói rằng chưa có dấu hiệu về một vụ thử tiếp theo của CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết có sự di chuyển của phương tiện và con người tại một bãi thử ở CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho Reuters biết rằng có thể mất vài ngày để xác định sự kiện ngày 9.10 là một vụ thử hạt nhân không thành công, một thiết bị hạt nhân cỡ nhỏ hay một vụ nổ phi hạt nhân. Nhật và Hàn Quốc không ghi nhận được sự thay đổi về mức độ phóng xạ sau vụ thử. Trong khi đó, theo báo điện tử Mosnews, dân chúng Nga ở vùng Vladivostok đã đổ xô đi mua thiết bị đo phóng xạ. Theo đài BBC, có thể CHDCND Triều Tiên đã thử một thiết bị hạt nhân tương đối nhỏ tại vùng P'unggye-yok ở miền đông.
Mỹ ngay lập tức bác bỏ yêu cầu của CHDCND Triều Tiên. Đại sứ Mỹ tại LHQ J.Bolton tuyên bố trước cuộc họp HĐBA hôm 9.10 rằng căng thẳng hiện nay là căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên với phần còn lại của thế giới, tức sẽ dẫn đến trừng phạt. Ông từ chối loại trừ hành động quân sự nhưng nhấn mạnh Tổng thống Bush muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Washington đã soạn thảo một nghị quyết tại LHQ kêu gọi thế giới kiểm tra mọi hàng hóa đi và đến CHDCND Triều Tiên nhằm phát hiện vật liệu liên quan đến vũ khí hạt nhân. Dự thảo cũng kêu gọi phong tỏa việc chuyển giao hay phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và thực thi lệnh cấm giao dịch hàng hóa cao cấp. Dự thảo được đưa ra xem xét tại Hội đồng Bảo an hôm qua (theo giờ Mỹ). Nhật đã đề ra các biện pháp khắt khe hơn, bao gồm cấm tàu và máy bay của CHDCND Triều Tiên cập cảng hay hạ cánh nếu chúng chở vật liệu liên quan đến hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo. Nhật đã phong tỏa kiều hối và những khoản tiền chuyển về CHDCND Triều Tiên của những người bị nghi dính đến việc phát triển WMD sau các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng hồi tháng 7. Thủ tướng Nhật S.Abe hôm qua tuyên bố Nhật có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt mà không cần chờ xác nhận vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên có thực hay không. Chính phủ Nhật Bản hôm qua cũng cho biết sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân, tạm thời làm giảm lo ngại về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của CHDCND Triều Tiên, cũng mất dần sự nhẫn nại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này hôm qua tuyên bố rằng vụ thử hạt nhân sẽ tác động xấu đến quan hệ hai nước. Theo đài BBC, Bắc Kinh muốn LHQ có "hành động trừng phạt thích hợp" đối với vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng hành động quân sự chống CHDCND Triều Tiên sẽ là "khó tưởng tượng". Tuy nhiên, AP dẫn lời một đặc sứ của Hàn Quốc trở về từ Bắc Kinh hôm qua nói rằng Trung Quốc có thể từ bỏ sự chống đối các biện pháp cứng rắn chống Bình Nhưỡng. Tờ Wen Wei Po xuất bản tại Hồng Kông cho biết Trung Quốc đã hủy bỏ việc nghỉ phép của binh lính dọc biên giới với CHDCND Triều Tiên và một số đơn vị đang diễn tập chống vũ khí hóa học. Cũng hôm qua, Hàn Quốc tuyên bố duy trì nỗ lực hòa hoãn với Bình Nhưỡng dù "Chính sách Ánh dương" sẽ được xem xét lại. Trong tuyên bố được đưa ra một ngày sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, Iran khẳng định nước này chống lại việc phát triển vũ khí hạt nhân và sử dụng vũ khí hạt nhân hủy diệt. Tuy nhiên, cùng ngày, Đại sứ Israel tại Mỹ D.Ayalon phát biểu trên báo Ha'aretz rằng ông lo ngại về khả năng hợp tác hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Tehran.
Trùng Quang
Bình luận (0)