Cảnh báo chủng cúm A/H5N1 độc lực cao, nguy cơ bùng phát cúm gia cầm

06/04/2024 12:24 GMT+7

Virus cúm A/H5N1 tái tổ hợp được phát hiện tại Sóc Trăng, Vĩnh Long. Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) phát đi cảnh báo cộng đồng đề cao cảnh giác, bởi sự xuất hiện của virus tái tổ hợp này không chỉ có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm mà còn hiện hữu nguy cơ xuất hiện của các chủng mới, có độc lực cao hơn.

Ngày 5.4, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã phát đi cảnh báo kêu gọi cộng đồng cần cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm gia cầm độc lực cao, cúm A/H5N1 sang người khi phát hiện biến thể mới virus cúm gia cầm ở gà, ngan tại Việt Nam.

Cảnh báo chủng cúm A/H5N1 độc lực cao, nguy cơ bùng phát cúm gia cầm- Ảnh 1.

Việt Nam đã phát hiện virus cúm A/H5N1 tái tổ hợp ở Sóc Trăng, Vĩnh Long

TN

Theo FAO, tại khu vực châu Á, một số nhánh virus cúm A tiếp tục lây lan bao gồm (H5N1) 2.3.4.4b, 2.3.2.1c và các chủng khác có thể dẫn đến việc tái tổ hợp và sự xuất hiện của virus với các đặc điểm mới. 

Khoảng giữa năm 2022, một loại virus cúm A/H5N1 mới đã được phát hiện trên khắp Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng gây bệnh trên cả người và gia cầm. Virus này chứa các protein bề mặt từ tuýp 2.3.2.1c đang lưu hành ở khu vực này nhưng các gen bên trong lại bắt nguồn từ một nhánh virus xuất hiện gần đây hơn là 2.3.4.4b.

Tại Việt Nam, qua giám sát phát sinh loài virus thể độc lực cao A/H5N1 được lấy mẫu từ các chợ gia cầm sống và từ các ổ dịch từ tháng 1 - 12.2023 đã phát hiện cả 2 nhánh 2.3.2.1c và 2.3.4.4b. Trong đó, nhánh 2.3.2.1c chủ yếu lưu hành ở miền Nam, còn nhánh 2.3.4.4b được tìm thấy trên toàn quốc. 

Cũng trong năm 2023, một số mẫu virus được phát hiện tại các chợ gia cầm sống ở các tỉnh phía nam như Sóc Trăng và Vĩnh Long có biểu hiện tái tổ hợp gen giữa các nhánh 2.3.2.1c và 2.3.4.4b, mặc dù không phát hiện sự thay thế PB2-E627K.

Theo FAO, dựa trên những tác động lịch sử của các đợt bùng phát cúm gia cầm trong khu vực thì việc phát sinh và lây lan virus cúm A/H5N1 tái tổ hợp này sẽ gây ra rủi ro đáng kể đối với sức khỏe động vật và con người. Ngoài ra, việc tái tổ hợp này không chỉ cho thấy khả năng thích ứng của virus mà còn hiện hữu nguy cơ về sự xuất hiện của các chủng mới, có độc lực cao hơn.

FAO cũng nêu dẫn chứng tại Campuchia, kể từ tháng 12.2023 đến nay, nước này ghi nhận 5 trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1. Trong đó, có 4 trường hợp đầu tiên nhiễm virus nhóm H5 (HA) 2.3.2.1c. Virus này đã được phát hiện ở gia cầm từ năm 2014 tại Campuchia trong chương trình giám sát theo chiều dọc được thực hiện trong lĩnh vực thú y.

Còn tại Việt Nam, thống kê từ Bộ Y tế từ năm 2003 đến nay đã có 129 người nhiễm cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, trong đó 65 người tử vong. Trường hợp mắc cúm gia cầm gần đây nhất được phát hiện hồi tháng 10.2022 tại tỉnh Phú Thọ. Trong tháng 3 vừa qua, tại Khánh Hòa ghi nhận một trường hợp tử vong do cúm gia cầm A/H5N1.

Theo đó, FAO và các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng; không ăn tiết canh; thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với gia cầm; tránh tiếp xúc với gia cầm ốm chết.

Đối với người chăn nuôi gia cầm, FAO và Cục Thú y khuyến cáo tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ virus xâm nhập; tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho sức khỏe đàn gia cầm. 

Các hộ chăn nuôi phải báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho chính quyền hoặc cơ quan thú y địa phương; không cho phép khách vào khu vực chăn nuôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.