Theo cảnh báo của MDM: Trưa nay 22.3, mực nước sông Mê Kông giảm đột ngột. Cụ thể tại Chiang Saen (Thái Lan) giảm 1 mét. Đến sáng 23.3, mực nước sông tại đây sẽ chạm đáy. Nguyên nhân, trong khoảng thời gian từ ngày 19 - 23.3, việc hạn chế xả nước ở các con đập thượng nguồn sẽ khiến sông giảm tổng cộng 1,3 mét. Cuối ngày 23.3, nước sông sẽ lên ít nhất 0,5 mét do một đập thượng nguồn xả nước trở lại.
Việc hạn chế xả nước ở các con đập thượng nguồn sẽ khiến sông giảm tổng cộng 1,3 mét |
REUTERS |
MDM là dự án chuyên theo dõi hoạt động của các đập thủy điện và mực nước sông Mê Kông thuộc Trung tâm Stimson và Dự án quan sát Trái đất (Eyes on Earth) của Mỹ.
Trong bản tin của mình, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Theo quan sát của MRC, mực nước tại đập Cảnh Hồng (thấp nhất trong chuỗi đập thượng nguồn Mê Kông) đã giảm mạnh đến 1,54 mét. Trong tuần qua chỉ còn 536,9 m và là mức thấp hơn 0,22 m so với mức trung bình của hai năm 2020 - 2021. Đây là nguyên nhân làm mực nước sông tại Chiang Saen giảm đột ngột.
Trước đó, dựa vào xu thế xả nước của các đập thủy điện thượng nguồn cả MDM và MRC đều dự báo tuần rồi mực nước sông Mê Kông sẽ tiếp tục tăng cao một cách bất thường. Tuy nhiên thực tế các đập giảm xả làm mực nước giảm mạnh đột ngột. Theo MRC, mực nước trung bình trong tuần từ 25 - 21.3, tại Chiang Saen đã giảm 0,26 m. Tuy nhiên, dọc theo sông Mê Kông về phía hạ nguồn, mực nước thực tế ghi nhận tại các trạm đo vẫn còn cao bất thường so với trung bình nhiều năm.
Theo các nhà môi trường, sự thay đổi bất thường và đột ngột của dòng sông từ tác nhân con người là yếu tố nguy hại đối với sự tồn tại của các loài sinh vật và toàn bộ hệ sinh thái. Sẽ không có loài sinh vật nào có thể thích nghi với sự biến động đột ngột như vậy.
Bình luận (0)