Cảnh báo 'đội lốt' cổ phần hóa, thoái vốn để bán đất

17/05/2022 18:57 GMT+7

Các chuyên gia lo ngại việc cổ phần hóa, doanh nghiệp Nhà nước '">thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước nếu không được giám sát chặt sẽ dẫn tới nhiều sai phạm do cố tình mượn việc bán doanh nghiệp để bán đất.

Tại hội “Hội thảo Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, tổ chức tại Hà Nội ngày 17.5, đại diện Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế đề nghị bỏ tính giá trị đất đai trong xác định tài sản doanh nghiệp cổ phần, thoái vốn, vì cho rằng đây là vấn đề vướng mắc, chồng chéo, dễ dẫn đến sai phạm.

Cổ phần hóa đang bị tắc do vấn đề định giá đất
TN

Lo nhất là xác định giá trị đất đai

Theo ông Nguyễn Tấn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cơ chế, chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất đai khi cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Thịnh nêu có doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg nhưng hơn 15 năm nay không kê khai báo cáo và triển khai thực hiện, mặc dù Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc.

“Một số doanh nghiệp không chủ động triển khai việc sắp xếp cơ sở nhà, đất, đợi đến thời hạn sắp cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện, dẫn đến nhiều bất cập và có thể ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án nhưng không thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt”, ông Thịnh nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng việc đưa đất vào xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, thoái vốn gây khó cho doanh nghiệp bởi giá thị trường nay thế này mai thế khác, nó thay đổi liên tục. Vậy xác định giá đất đai là giá của ngày nào?

“EVN cũng như các đơn vị khác, lo sợ nhất là đánh giá giá trị doanh nghiệp để thoái vốn, sợ nhất “ông” đất. Làm gì có thị trường để bán cả khuôn viên nhưng cứ xác định giá mà người dân đang giao dịch. Đánh giá thật cao thì không có người mua, nếu không đưa vào thì sợ, mà đưa càng cao càng không bán được”, ông Nam nói.

Đại diện EVN kiến nghị loại đất đai ra khỏi việc giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, bên cạnh đó là những khó khăn khác như sự thay đổi liên tục của chính sách cổ phần hoá dẫn đến doanh nghiệp không theo kịp…

“Doanh nghiệp làm rất sợ sai do chính sách không rõ, chứ không phải doanh nghiệp muốn làm sai”, Phó tổng giám đốc EVN thẳng thắn chia sẻ.

TP.HCM là một trong những địa phương chậm cổ phần hóa
tn

Rất nhiều sai phạm hiện nay là bán đất

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng, chính vấn đề liên quan đến đất đai đã và đang làm cản trở quá trình cổ phần hoá, thoái vốn. Hiện trong nhiều trường hợp cổ phần, thoái vốn đang không bán doanh nghiệp mà bán đất. Rất nhiều sai phạm cổ phần hoá hiện nay là bán đất nhưng “đội lốt” là bán doanh nghiệp.

Theo ông Ánh, tất cả vấn đề sai phạm như sử dụng sai mục đích, chuyển đổi mục đích sử dụng hay nhượng đất đều xuất phát từ việc chúng ta cho thuê đất quá lâu, trong thời gian dài. Việc áp giá thị trường vào tính giá trị tài sản của doanh nghiệp gây khó khăn cho cổ phần hoá.

“Đất là tài sản của toàn dân, Nhà nước là đại diện quản lý, lý do gì mà định giá tài sản của nhà nước lại để cho thị trường làm? Nên không có giá thị trường mà chỉ nên có định giá theo cơ chế thị trường, không phải cơ chế quản lý hành chính quan liêu. Vấn đề quan trọng hơn là đất của doanh nghiệp nhà nước được cho không, giao đất sau khi cổ phần hoá ai có quyền cho thuê hoặc chấm dứt cho thuê, ai có quyền sử dụng đất đó?”, ông Ánh phân tích.

Ông Ánh cho rằng, bình thường trong luật Đất đai là UBND cấp tỉnh, nhưng ở doanh nghiệp nhà nước, nếu tách quyền quản lý đất riêng trước, trong và sau cổ phần sẽ giao lại cho ai, cho Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước hay SCIC.

“Chúng ta phải làm rõ, đất trước cổ phần hoá ai quản, trong cổ phần hoá ai quản và sau cổ phần hoá ai sẽ quản. Cái này là cái then chốt để quyết định giá đất, thuê đất và thời hạn thuê đất”, TS Vũ Đình Ánh nêu thực tế.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa (đạt 30% kế hoạch). Năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỉ đồng.

thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước nếu không được giám sát chặt sẽ dẫn tới nhiều sai phạm do cố tình mượn việc bán doanh nghiệp để bán đất.' />
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.