Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã có cảnh báo các địa phương vùng ĐBSCL cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án, ứng phó với hạn, mặn gia tăng khi Trung Quốc giảm lượng xả nước ở hồ thủy điện Cảnh Hồng trên sông Lan Thương, thượng nguồn sông Mê Kông.
Theo Tổng cục Thủy lợi, thông tin từ Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRC), hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) từ ngày 5 - 24.1 vừa qua đã đột ngột giảm lượng xả nước xuống dưới 1.000 m3/giây, thấp bằng 50% so với trước đó. Còn theo thông tin theo dõi từ MRC vào giữa tháng 1 vừa qua, lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng duy trì ở mức 1.400 m3/giây nhưng đến ngày 11.2, lượng nước xả chỉ còn ở mức 800 m3/giây khiến nước sông Mê Kông đang ở mức thấp “đáng quan ngại”, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, giao thông của gần 70 triệu người ở vùng hạ nguồn, đe dọa sinh kế và an ninh lương thực.
Trước diễn biến hồ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm lượng xả nước ngay trong mùa khô hạn ở vùng hạ nguồn, trong tháng 1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên dòng chảy sông Mê Kông cũng như tác động xâm nhập mặn tại ĐBSCL để có các biện pháp hỗ trợ người dân ứng phó, bảo vệ sản xuất.
|
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thủy nông và cấp nước, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho biết việc Trung Quốc giảm lượng xả nước được xem là kịch bản đã được lường trước, dự báo sớm. Trước đó trong ngày 22.12.2020 và 8.1 vừa qua, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam liên tục có thông báo đến Bộ NN-PTNT sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó. Diễn biến xâm nhập mặn đến nay đang diễn ra đúng với dự báo trước đó. “Đặc biệt trong năm nay, lượng nước về ĐBSCL dự báo ở mức thấp, nên vẫn là một năm thủy văn cực hạn, xâm nhập mặn vẫn ở mức độ nghiêm trọng, chỉ thấp hơn so với năm hạn, mặn lịch sử 2020 nhưng sẽ tương đương mùa hạn, mặn năm 2016”, ông Tuấn nói.
Phân tích kỹ hơn về tác động đến ĐBSCL, ông Trần Minh Tuấn cho rằng lượng xả nước từ thượng nguồn sông Mê Kông bị giảm mạnh sẽ khiến dòng chảy nhỏ lại, điều này làm chiều sâu xâm nhập mặn vào đất liền sẽ cao hơn mọi năm. Bên cạnh đó, diễn biến giữa các đợt mặn biến đổi rất nhanh. Cũng theo ông Tuấn, bắt đầu từ tháng 2, các tỉnh ĐBSCL mới ghi nhận tác động của việc Trung Quốc giảm lượng xả nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, càng về cuối tháng dự báo xâm nhập mặn gia tăng ở mức độ nghiêm trọng và dự báo duy trì đến tháng 3.
Theo ông Lương Văn Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), các tỉnh ĐBSCL tăng cường việc đắp đập tạm để ngăn mặn, tích trữ nước ngọt sử dụng trong thời gian hạn, mặn gia tăng. Cập nhật diễn biến mới nhất của hạn, mặn, thông tin kịp thời đến người dân, các đơn vị, doanh nghiệp chủ động về nguồn nước, không để xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất. Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố lập tổ công tác tiền phương tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với hạn, mặn.
Bình luận (0)