Không phải đợi đến đợt triều cường trong những ngày qua, khi sóng cuốn trôi hàng chục ngôi nhà của người dân miền Trung ra biển, lời cảnh báo từ các làng chài mới được gióng lên. Người dân thì kêu cứu mỏi mệt, chính quyền thì bất lực trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Một ngôi nhà ở Hà Ra bị sóng đánh sập - Ảnh: Nguyễn Chung
|
Tan hoang các làng chài
Trong các ngày từ 17 đến 23.12, những đợt gió mùa đông bắc tràn về các tỉnh miền Trung thì cũng là lúc người dân ở các làng chài ven biển đứng ngồi không yên. Những làng chài này, đa số là dân nghèo, con cái đông đúc, quỹ đất gần như cạn kiệt nên họ đành phải lấn ra các mép sông ven biển để ở. Thậm chí, ở nhiều nơi, người dân đã làm nhà trên các bãi tha ma ven biển. Nhà cửa thì vá víu, tạm bợ, chỉ cần sóng lớn xô lắc vài đợt là coi như mất nhà.
Thống kê sơ bộ của các tỉnh cho biết, đợt triều cường vừa qua đã có ít nhất 30 ngôi nhà ở Nha Trang, Phan Thiết và Tuy Hòa bị xóa sổ, hàng chục ngôi nhà khác đang đặt trong tình trạng báo động. Xóm chài thuộc tổ 7, Hà Ra (Nha Trang) sau hai đêm giận giữ của thủy thần, giờ tan hoang như vừa trải qua một trận bom rải thảm. Làng chài Đức Tiến, xã Tiến Thành thuộc TP.Phan Thiết cũng cùng chung số phận. Biển đã nuốt trọn 8 căn nhà của xóm nghèo này và đang đe dọa 40 căn nhà khác. Còn ở xóm Rớ, P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa, chủ nhân của 30 căn nhà ở đây cũng đang đứng trước tình trạng đi cũng dở mà ở cũng chẳng xong. Đi thì không biết về đâu mà ở thì không biết sống chết thế nào trước các đợt triều cường hung dữ hàng đêm. Sau mỗi đợt triều cường, hình ảnh những căn nhà xiêu vẹo từ các làng chài xuất hiện ngày càng nhiều. Nhìn các hố hầm sâu hoắm do sóng biển đào khoét, đủ thấy sự hung dữ và nguy hiểm của nó đối với cuộc sống người dân biết chừng nào.
Đối với người dân ở các làng chài này, họ không còn con đường nào khác, hoặc là đành thúc thủ trong những diện tích ít ỏi còn lại sau khi bị sóng đánh sập, hoặc là phải di tản đến ở nhờ nhà bà con hay đến nhà sinh hoạt cộng đồng để tá túc chờ ngày sóng yên bể lặng thì về.
Giải pháp nào?
Giải pháp có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là chuyển người dân xóm cồn này đi nơi khác nhưng cái khó của chính quyền là tìm đâu ra quỹ đất đủ cho dân dựng nhà mới vừa để tránh tai họa từ biển lại vừa thuận lợi cho kế sinh nhai của họ. Còn ở xóm Rớ, Tuy Hòa thì chính quyền cũng đã có giải pháp bằng việc cho phép Ban quản lý thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư xây kè tạm với kinh phí 12 tỷ đồng nhưng động thái mang tính “phủi nóng” này vừa tốn tiền ngân sách lại vừa không mang lại một chút hiệu quả nào.
Cách đây hơn 10 năm, tại các làng chài Tân Định H.Bình Sơn và Sa Huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, sóng biển cũng đã từng xóa sổ gần hết cả làng nhưng sau khi làm bờ kè kiên cố, người dân đã ở yên suốt 10 năm qua. Có một thực tế hiện nay là, lấy lí do không đủ kinh phí nên nhiều nơi chỉ làm kè tạm, vì vậy, tiền thì mất mà tai họa thì vẫn không ngăn được.
Xây bờ kè kiên cố, tìm chỗ tái định cư để ổn định lâu dài nơi ở cho người dân vùng ven biển, nơi thường bị triều cường làm sạt lở, đó là giải pháp căn cơ, lâu dài mà các nhà quản lý cần hướng đến. Không thể để mãi tình trạng nơm nớp âu lo của người dân ven biển mỗi mùa sóng dữ tràn về.
Bình luận (0)