Cảnh báo tử vong

28/06/2011 09:05 GMT+7

Thuốc diệt cỏ Paraquat có độc tố cực mạnh. Tại nhiều nước trên thế giới, Paraquat đã bị cấm sử dụng vì được đánh giá là loại hoạt chất bảo vệ thực vật gây tỉ lệ tử vong cao nhất ở người.

Tuy nhiên, tại VN, loại thuốc này bán nhan nhản trên thị trường và rất dễ mua. Theo các BS khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, chỉ cần uống nhầm 10-20ml thuốc Paraquat, thì 99% là… tử vong.

Bác sĩ cũng “ớn lạnh”

Tại các BV như Chợ Rẫy, 115, Trưng Vương, Nhi Đồng 1, 2, hầu như tháng nào các BV này cũng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc thuốc diệt cỏ ở các vùng ngoại thành TPHCM và các tỉnh lân cận.


Mua bán hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát.

Trước đó, khoa Cấp cứu của BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc Paraquat là 3 chị em ruột tên Ng.T.N.D (9 tuổi, nữ), Ng.T.N.H (5 tuổi, nữ) và Ng.H.T (3 tuổi, nam) được chuyển từ BV tuyến trước lên. Khai thác bệnh sử, ghi nhận, vì giận chồng nên mẹ các cháu uống thuốc diệt cỏ Paraquat tự tử và nói: “Uống ngừa say xe để đi thành phố chơi!”. Sau khi uống, D - chị cả - phát hiện chai thuốc hiệu Gramoxone, nên trốn ra ngoài (vì mẹ đóng cửa nhốt trong nhà) và báo với hàng xóm. Ngay lập tức, cả 4 mẹ con được đưa đến BV tỉnh sơ cứu, rửa dạ dày, rồi chuyển 3 chị em đến BV Nhi Đồng 1.

Tại đây, bệnh nhi này được rửa dạ dày và cho uống Fuller’s earth - là một loại thuốc làm bằng đất sét mịn, có tác dụng làm bất hoạt Paraquat, truyền dịch để tăng thải độc chất qua thận. Riêng cháu D được tiến hành thay huyết tương khẩn cấp. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng khá hơn và được điều trị tại khoa Hồi sức để theo dõi các biểu hiện muộn như tổn thương các cơ quan như suy gan, suy thận, xơ phổi. Đến nay, cả 3 em đều xuất viện về nhà, nhưng vẫn được hẹn tái khám theo dõi thường xuyên nhằm phát hiện các biến chứng muộn, đặc biệt là biến chứng xơ phổi.

Theo nhận định của các BS, đây là một trong số rất ít các trường hợp may mắn do phát hiện sớm. Đáng báo động trong năm 2009, tại khoa Chạy thận nhân tạo của BV Chợ Rẫy, trong 63 ca điều trị ngộ độc là nông dân ở các tỉnh Nam Bộ, thì chỉ có 1/ 63 ca khai do uống nhầm. Còn lại là do... buồn, chán sống. Một ca trong số 63 ca trên đã thoát chết là bệnh nhân Nguyễn Thị H.N (công nhân) tại Bình Chánh (TPHCM). Chị N được mẹ đưa tới khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy trong tình trạng tím tái, hôn mê, loét miệng, họng... Người mẹ cho biết, sau ly dị chồng, chị N chán đời không thiết sống nên tìm tới Paraquat. Trường hợp chị N may mắn trong số ca uống Paraquat đã được cứu sống bằng phương pháp lọc thận hấp thụ.

Không tử vong cũng... tàn phế

Theo BV Chợ Rẫy, trong 403 ca ngộ độc thuốc trừ sâu được tiếp nhận trong năm 2009 thì đã có 86 ca tử vong. Đây là loại ngộ độc gây tử vong cao trong tổng số 2.503 ca ngộ độc các loại được chuyển đến BV Chợ Rẫy. Bệnh nhân uống nhiều tử vong ngay, người uống ít thì chết sau 5-7 ngày. Cũng có trường hợp sau ngộ độc 3-4 tháng mới tử vong do xơ phổi. Theo BS Trịnh Thanh Mai - Phó khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy - ngộ độc Paraquat cho tới nay chỉ có thể điều trị triệu chứng và nâng đỡ, chứ chưa có biện pháp nào hữu hiệu để can thiệp.

Tại hội thảo “Điều trị ngộ độc” vừa diễn ra tại BV Chợ Rẫy TPHCM mới đây, PGS-TS Chen-Chang Yang - Trung tâm Chống độc quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) - cho biết, trung tâm thường từ chối không cấp cứu nếu bệnh nhân chuyển đến BV sau hơn 2 giờ uống Paraquat. Tại VN, thời gian “tận dụng giờ vàng” cho bệnh nhân ngộ độc Paraquat thường dài hơn 6 giờ sau khi uống. Và nếu như áp dụng theo đúng “chuẩn tận dụng giờ vàng” sau 2 giờ, thì tại VN bệnh nhân bị ngộ độc do Paraquat có mặt tại BV sau 2 giờ là... điều không tưởng. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến BV Chợ Rẫy đã bước sang ngày thứ ba.

BS Tôn Thất Quỳnh Ái - Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy - cho biết, dù biết rửa ruột làm bệnh nhân đau đớn, tình trạng loét niêm mạc, thực quản, xuất huyết tiêu hoá... nặng hơn, nhưng lương tâm và đạo đức nghề nghiệp khiến các BS vẫn phải làm. 20-30mg/kg là liều lượng cảnh báo bệnh nhân có thể tử vong nếu uống. Qua điều tra bệnh sử, đa số bệnh nhân ngộ độc Paraquat thường là các gia đình nông dân nghèo, ít học. Chỉ một lần chạy thận lọc máu bệnh nhân này phải mua một màng lọc Paraquat là 8 triệu đồng và chạy thận liên tục trong 8 giờ với sự theo dõi nghiêm ngặt của ít nhất là 2 điều dưỡng. BS Quỳnh Ái khuyến cáo: “Tốt nhất là đừng bao giờ để bị ngộ độc Paraquat, đừng đụng đến nó!”. Nếu đã “lỡ” uống thì phải tìm cách để được cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.