Theo ghi nhận của Thanh Niên, sáng 22.2, hàng chục công nhân đang trong giai đoạn cấp nước vào các phần mộ để làm ẩm đất để thuận tiện cho việc bốc mộ trong thời gian tới.
Theo các công nhân, đất trên các phần mộ rất cứng nếu không làm ẩm sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bốc mộ lên. Hơn 1.800 ngôi mộ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) sẽ được bốc mộ tập trung từ nay đến tháng 6.2024.
Tìm kế sinh nhai mới
Đa phần người dân xung quanh nghĩa trang đều nóng lòng chờ ngày di dời, giải tỏa các phần mộ để làm công trình công cộng.
Hai dì cháu nương tựa nhau nơi góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa: Nhiều nỗi lo
Sinh sống và nhận coi phần mộ ở nơi đây từ lâu, bà Trương Thị Loan (58 tuổi) cho biết đã nắm thông tin những ngôi mộ chưa có thân nhân kê khai sẽ được bốc mộ tập trung. Vì có thể sẽ không còn nhiều người trông coi mộ nhưng người phụ nữ đã sẵn sàng chuyển sang công việc khác. Những ngôi mộ trước nhà bà sẽ được bốc trong giai đoạn 2 của dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Bắt đầu bốc mộ tập trung tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa
"Tôi ở gần nghĩa trang được mọi người thuê trông coi mộ nhưng từ khi có chủ trương di dời nghĩa trang, bản thân đã suy nghĩ đến việc chuyển đổi công việc. Trước đây, nhiều người còn thuê trông nhiều vào mùa tết, mùa thanh minh nhưng từ khi có thông tin di dời, thu nhập cũng không đáng kể", bà Loan chia sẻ.
Từ khi việc di dời nghĩa trang được thực hiện, việc trông coi mộ của bà Loan chỉ là công việc làm thêm. Nhiều người tin tưởng nên vẫn nhờ bà chăm sóc, trông coi đến khi bốc mộ đi.
"Khi di dời mộ, người dân xung quanh cũng đồng tình vì đường sá sẽ làm đàng hoàng mở ra cơ hội buôn bán hoặc cho thuê mặt bằng. Tôi mong rằng, dự án di dời nghĩa trang sẽ làm dứt điểm, đường sá ổn định để bắt đầu một cuộc sống mới", người phụ nữ trông coi mộ nói.
Thuê mặt bằng khi nghe di dời nghĩa trang
Ông Lương Xuân Định (50 tuổi), chủ quán phở đối diện nghĩa trang Bình Hưng Hòa chia sẻ, trước đây ông thuê mặt bằng cách đó không xa nhưng vì chủ lấy lại nên phải chuyển địa điểm. Người đàn ông nói rằng, việc kinh doanh ít nhiều bị ảnh hưởng vì gần nghĩa trang.
"Có những người ăn xong khen phở rất ngon nhưng có chút ngại và lo sợ vì ở gần nghĩa trang. Vì vậy, khi bốc mộ, di dời nghĩa trang đến nơi khác sẽ giúp cuộc sống người dân lành mạnh, dễ buôn bán hơn", ông Định nói.
Trước khi quyết định thuê mặt bằng kinh doanh ở gần nghĩa trang, người đàn ông cũng có chút đắn đo. Tuy nhiên, khi biết việc vài năm nữa việc di dời nghĩa trang sẽ hoàn thành, ông hy vọng sẽ kéo được khách dần dần.
"Tôi chuyển về đây khách quen vẫn đến ăn bình thường nhưng khách lạ có chút e ngại vì trước mặt là những ngôi mộ. Tôi nghĩ rằng vài năm nữa khi chính quyền lấy hài cốt xong, có xây công viên, trường học việc bán phở sẽ trở nên thuận tiện. Tôi tính phương án kinh doanh lâu dài, chấp nhận có thể ít khách trong vài năm đầu", chủ quán phở cho hay.
Ông Lê Văn Thường (52 tuổi) thuê trọ gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Người đàn ông làm công việc xếp vải vụn nên chấp nhận thuê gần nghĩa trang để có giá thuê nhà rẻ.
"Hồi đầu khi tôi mới chuyển về ở đây cũng rất sợ vì xung quanh toàn mộ người chết, buổi tối có khi không dám ra khỏi nhà. Tuy nhiên, khi ở lâu cảm giác đó không còn nữa, cứ làm ăn bình thường cũng không ai quấy rầy", ông Thường chia sẻ.
Ông hoàn toàn đồng tình với việc di dời nghĩa trang của chính quyền và hy vọng người dân xung quanh sẽ có điều kiện sống tốt hơn.
"Có thể khi tôi phải chuyển sang chỗ khác với giá đắt hơn nhưng tôi cũng đồng ý vì lợi ích chung của xã hội. Tôi không thuê chỗ này sẽ chuyển sang chỗ khác thấy nghĩa trang sẽ thành nơi có công trình hiện đại hơn sẽ phấn khởi hơn", ông bày tỏ.
Bình luận (0)