"Cánh diều vàng" hồi hộp chờ khán giả

19/04/2006 22:39 GMT+7

Chuyện của Pao và Sống trong sợ hãi là hai phim thâu tóm 9/12 giải quan trọng của Hội Điện ảnh Việt Nam trong lần trao giải Cánh diều vàng 2005 vừa qua. Cả hai đều là phim nhựa đầu tay, hai cá tính, hai phong cách khác nhau, và cùng sắp ra mắt khán giả TP.HCM...

Bài thơ trữ tình và áng văn xuôi khốc liệt

Cánh đồng hoa cải vàng ngát, màu xanh thẫm của núi đồi xa xa, ánh nắng ban mai rải lụa xuống nương ngô trên sườn núi tạo những khuôn hình tuyệt đẹp. Những hình ảnh ấy như đã từng xuất hiện trong giấc mơ nào xa xôi. Trong giấc mơ, cô gái người dân tộc ngồi trong ngôi nhà có ô cửa vuông. Từ ô cửa, cô nhìn ra bên ngoài hàng rào đá, nghe tiếng sáo tâm tình và gửi gắm yêu thương. Chuyện của Pao đã có một ánh vàng lấp lánh với những bối cảnh như thực, như mơ. Trong không gian hư thực ấy, có giọt nước mắt rơi trên những phận người. Thương hai người đàn bà khao khát yêu, thương người đàn ông cục cằn mà nhiều tình cảm. Một câu chuyện giàu tính nhân văn, đề cao khát vọng được yêu của con người thật nhẹ nhàng, sâu lắng. Phim đẹp như một bài thơ trữ tình đượm buồn.

Bên cạnh bài thơ đó là áng văn xuôi khốc liệt mang tên Sống trong sợ hãi. Hiện thực trần trụi của con người vật lộn trong lằn ranh sống - chết ám ảnh người xem. Nỗi sợ hãi riết róng tâm hồn người lính chế độ cũ tạo nên nét khác biệt. Phim thoáng gợi đến Mùa lạc của Nguyễn Khải với ý tưởng về mảnh đất chết chóc xưa, nay là khu vườn hồi sinh. Nhưng các tác giả Bùi Thạc Chuyên và Nguyễn Thị Minh Ngọc đã không nhìn sự việc "lý tưởng" một chiều. Tải (do Trần Hữu Phúc đóng) kiếm "sống" từ trên "mảnh đất chết" - bãi mìn. Từ điểm nhìn này cho thấy nỗi lo âu sợ hãi của Tải. Sâu thẳm trong tiềm thức con người Tải, cái "sợ hãi" này không chỉ là chết chóc mà còn là những điều ngấm ngầm khó giãi bày. Sau cơn "sợ hãi", Tải vùi đầu vào mớ hạnh phúc trần gian. Rồi chính những "trần gian sung sướng" ấy lại đẩy anh lao vào "sợ hãi" như một vòng tròn oan nghiệt. Áng văn xuôi khốc liệt của Bùi Thạc Chuyên được kể bằng một ngôn ngữ đậm đặc chất điện ảnh, ám ảnh ký ức người xem.

Điểm yếu phim này là điểm mạnh phim kia

Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên có cấu trúc mạch lạc, chặt chẽ. "Chuyện" phim đi một loạt, nhân vật chính được khắc họa đa diện. Tuyến nhân vật phụ được xây dựng nhằm bật lên tư tưởng của phim. Sống trong sợ hãi xây dựng một hệ thống chi tiết rất kỹ lưỡng, chỉn chu. Chủ đề sợ hãi hiện rõ từ tiểu tiết của tiếng cưa bom rin rít, hành động hối hả "yêu". Tựa phim phù hợp với chủ đề và diễn biến, tình tiết.

Cảnh phim Chuyện của Pao - (Ảnh: T.L)

Ngược lại, Chuyện của Pao bị gãy khúc về cấu trúc, rối rắm giữa quá khứ và hiện tại khiến người xem khó theo dõi. Phục hiện quá dài, diễn tiến thời gian vừa kéo co vừa kéo giãn dẫn đến hụt và thừa. Đoạn vĩ thanh gây phản cảm với việc xen đoạn phim mang tính tư liệu một cách thiếu thuyết phục. Nhân vật em trai của Pao mờ nhạt và bị biến mất hẳn ở phần kết. Tựa phim Chuyện của Pao không hợp lý vì thực ra, trong toàn bộ nội dung phim, Pao là người kể lại chuyện nhà mình, chuyện của hai người mẹ và bố.

Và "sạn"...

Sự tiết kiệm đối thoại và phung phí độc thoại là điểm yếu nhất trong Chuyện của Pao. Ở nhiều đoạn, bản thân hình ảnh đã có ý nghĩa sâu sắc mà không cần đến bất cứ sự diễn giải nào. Hình như, nhà làm phim sợ người xem không hiểu nên "thuyết minh". Từ "thuyết minh" dẫn đến việc phim giống kể chuyện có minh họa hình ảnh. Bên cạnh đó là hiện tượng thừa cả hình lẫn lời. Lời thoại bị lỗi không đồng nhất giữa tiếng dân tộc và tiếng Kinh. Trao đổi trong gia đình Pao được "dân tộc hóa" bằng lối nói cụt ngủn, không hoa mỹ nhưng lời dẫn chuyện và độc thoại nội tâm của Pao lại là ngôn ngữ người Kinh - làm cho khán giả không tin lời kể là của nhân vật, dẫn đến cảm giác phim giả tạo. Cách ngúng nguẩy làm điệu của Pao cũng là của cô gái Kinh, cộng thêm nhan sắc thanh tao kinh kỳ của Hải Yến trong vai Pao càng khiến cho hình tượng cô gái dân tộc trở nên... giả.

Điểm yếu nhất của Sống trong sợ hãi là việc trong nhiều đoạn, đạo diễn không đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm để gây xúc động cho khán giả. Ví dụ: đoạn bé Lanh đem chôm chôm vào cho ba, Tải ôm con đi ra ngoài, tát con vì sợ con gặp nguy hiểm. Ở đây, khán giả mong được chứng kiến nỗi đau bên trong của Tải sâu sắc hơn nữa. Đôi chỗ, phim rất "lạnh", cái "tình" của các nhân vật dành cho nhau chưa đủ "sâu" và "lắng" để chạm được vào tâm hồn rung cảm của khán giả. Sự đèo bòng của người đàn ông có hoàn cảnh đặc biệt khác thường khập khiễng so với logic thực tại của đời sống. Tình huống hai người vợ của Tải cùng lên bệnh viện sinh em bé một lúc rất khiên cưỡng.

Dù những giải thưởng đã được trao vẫn còn ít nhiều lấn cấn nhưng hai phim sắp ra mắt khán giả TP.HCM đều là sản phẩm nghệ thuật đáng trân trọng của thế hệ đạo diễn trẻ. Giữa bạt ngàn phim hành động của Mỹ, tình cảm sướt mướt của Hàn Quốc, Sống trong sợ hãi và Chuyện của Pao - bằng cách riêng của mình - đang mong được tặng khán giả một chút hương vị Việt.

Hạ Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.