Cuối tháng 11.2012, trinh sát của Đội 4 (PC45) tiếp nhận đơn tố cáo của bà N.T.C (33 tuổi, ngụ Q.2, nhân viên của một công ty tư nhân) về việc bà bị một số người nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt hơn 80.000 USD.
Manh mối bị cắt đứt Giữa tháng 7.2012, bằng thủ đoạn tương tự, bọn lừa đảo đã lấy đi của ông B. (ngụ Q.1) gần 20.000 USD. Qua điều tra, cơ quan công an xác định một số tên ở nước ngoài, một số ở VN phối hợp nhau gây án. Số tài khoản mà nạn nhân chuyển tiền cho chúng đăng ký ở VN. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc khi bị bại lộ nạn nhân mới đến báo cho công an nên khi vào cuộc điều tra thì mọi manh mối đã bị cắt đứt. |
Theo nội dung tố cáo của bà C., giữa tháng 9.2012, bà bất ngờ nhận được mail của người đàn ông tự xưng là Brown (người Nigeria, làm quan chức tại một ngân hàng lớn ở châu Phi) cho biết: đang quản lý một tài khoản 7,3 triệu USD của tỉ phú người Mỹ bị tai nạn giao thông tử nạn tại châu Phi nhưng không có người thừa kế. Ông này gửi một mẫu giấy ngân hàng và yêu cầu bà C. khai tên, họ, địa chỉ, quốc tịch... gửi đến Ngân hàng Merchant Bank ở Tây Phi để nhận thừa kế, với điều kiện số tiền này được chia làm 3 phần: 1 phần của bà C., 1 phần của ông Brown, 1 phần làm từ thiện.
Với thỏa thuận trên, bà C. đồng ý ngay và ông Brown thông báo sẽ có một người tên Bill đến VN trao mật mã số tài khoản cho người thừa kế. Ngày 5.10, một người đàn ông tự xưng tên Bill đã liên lạc với bà C. yêu cầu đưa 2.500 USD tiền phí vận chuyển hành lý ký gửi qua đường hàng không. Hẹn bà C. đến một khách sạn trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), Bill nhận 2.500 USD và đưa cho bà C. một va li lớn, nói rằng bên trong có một két sắt đựng 7,3 triệu USD bị nhuộm đen và 1 chai hóa chất bị bể, còn một ít nước. Bill giải thích số tiền bị nhuộm đen là để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng VN. Sau đó, Bill lấy 5 tờ mệnh giá 100 USD bị nhuộm đen, dùng hóa chất trong chai tẩy rửa hô “biến” thành 5 tờ USD thật, rồi đưa va li cho bà C. mang về nhà cất.
Ngày 6.10, Bill điện thoại cho bà C. nói để tẩy rửa hết số tiền trên phải bỏ ra 90.000 USD mua hóa chất, trong đó ngân hàng sẽ hỗ trợ 46.000 USD. 4 ngày sau, bà C. vay mượn được 22.000 USD chuyển vào tài khoản cho Brown mua hóa chất. Đến ngày 11.10, Bill báo Brown bị FBI của Mỹ bắt do hóa chất này cấm mua bán - liên quan đến an ninh quốc gia và bà C. chuyển thêm 44.000 USD để bảo lãnh Brown.
Tối 11.10, Bill gọi bà C. mang két sắt đến khách sạn, tẩy rửa 500 USD đưa cho bà C. Hôm sau bà C. chuyển cho chúng 15.000 USD. Đến ngày 16.10, Bill tẩy rửa 25 tờ USD mệnh giá 100 USD đưa cho bà C. và nói cần phải mua thêm chất phụ gia mới tẩy rửa cấp tốc hết số tiền trên. 1 ngày sau, Brown nhắn tin cho bà C. yêu cầu chuyển cho chúng 70.000 USD để mua chất phụ gia... Đến lúc này thì bà C. bắt đầu nghi ngờ nên đã đến công an trình báo thì biết mình bị lừa.
|
Một cán bộ của PC45 khuyến cáo: “Thủ đoạn lừa đảo kiểu này không mới nhưng câu chuyện dẫn dắt nạn nhân vào bẫy thì hoàn toàn mới. Tất cả tình tiết được sắp xếp rất hợp lý nhưng nếu nạn nhân tỉnh táo có thể dễ dàng nhận ra ngay. Ví dụ số tiền 8 triệu USD không thể đựng hết trong một két sắt quá nhỏ... Thậm chí khi công an tiếp nhận két sắt, nói đựng đô la bị nhuộm đen nhưng thực chất đó là những mảnh giấy màu xanh. Tóm lại cho dù chúng dùng kịch bản nào đi chăng nữa cũng đánh vào lòng tham của những người nhẹ dạ cả tin, rồi bị lừa một cách oan uổng”.
Theo ông, tháng 5.2012, với thủ đoạn tương tự, một nạn nhân ở TP.HCM cũng bị lừa hàng ngàn USD. Cách đây vài năm, loại tội phạm này gây án khá nhiều; sau đó báo chí phản ánh, người dân cảnh giác, tình hình lắng xuống đến nay bắt đầu quay trở lại.
Đàm Huy
Bình luận (0)