Mạo danh ngân hàng và công ty tài chính để trục lợi
Cách đây vài ngày, anh N.H.T (tỉnh Bắc Ninh) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ đầu số 0899179xxx. Qua điện thoại, người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên của một tổ chức tài chính lớn đang liên kết với công ty thương mại điện tử và thông báo anh N.H.T đã may mắn trúng một bộ quà tặng trị giá gần 18 triệu đồng (bao gồm 1 cặp đồng hồ mạ vàng, 1 thẻ mua sắm VIP trị giá 7 triệu đồng áp dụng trên toàn hệ thống điện máy, siêu thị, trung tâm mua sắm lớn...). Anh T. được cho biết đây là chương trình khuyến mãi đặc biệt nhằm tri ân khách hàng của công ty và anh đã được lựa chọn ngẫu nhiên để trúng giải đặc biệt nhờ có lịch sử mua hàng trả góp tốt.
Người phụ nữ thuyết phục anh T. bằng cách xác minh thông tin cá nhân của anh như số CMND, điện thoại, lịch sử mua hàng trả góp. Sau đó người này tiếp tục thông báo: “Công ty bên em sẽ gửi quà qua bưu điện, anh vui lòng đóng thuế 10% theo quy định với số tiền là 1.780.000 đồng để nhận quà. Nhân viên giao nhận sẽ liên hệ với anh qua điện thoại để nhận quà, anh vui lòng mang theo CMND gốc, đóng thuế trước và kiểm tra quà tại chỗ”.
Tuy nhiên sau khi người tiêu dùng đóng tiền để nhận quà và sử dụng thẻ VIP đến các siêu thị điện máy mua sắm thì mới “té ngửa” khi các cửa hàng đều từ chối thẻ này. Lúc này, người tiêu dùng mới nhận ra mình đã “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Hiện nay, khi hành vi mua sắm, thanh toán trực tuyến trở nên phổ biến, người tiêu dùng có thể đăng ký thông tin cá nhân, số CMND hay thậm chí là khai báo thẻ tín dụng để giao dịch. Lợi dụng thói quen của người tiêu dùng các đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ cao để theo dấu người dùng trên mạng xã hội, thu thập thông tin người dùng và công khai mua bán thông tin người tiêu dùng trên internet một cách dễ dàng.
Chiêu thức lừa đảo đánh vào tâm lý của người dùng tuy không mới nhưng hành vi của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Chúng đã lựa chọn các ngân hàng, tổ chức tài chính có uy tín nhất trên thị trường để mạo danh và sử dụng thông tin khách hàng đăng ký mua sắm trả góp tại các trung tâm điện máy lớn để liên hệ. Việc này khiến cho các siêu thị, trung tâm điện máy, công ty tài chính rơi vào cảnh “tình ngay lý gian”, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và uy tín của các đơn vị.
Bà Hồ Thị Như Hà - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối vận hành FE CREDIT cho biết: “Khi tiếp nhận các khiếu nại, phản ánh của khách hàng và đối tác thông báo về việc có các đối tượng mạo danh công ty để trục lợi khách hàng, FE CREDIT đã ngay lập tức tiến hành rà soát hệ thống, liên hệ với nhân viên tại các điểm bán hàng trong khu vực khiếu nại để làm rõ vấn đề. Các chương trình khuyến mãi của FE CREDIT liên kết với các đối tác đều được đăng ký với Sở Công thương ở các tỉnh/thành nơi diễn ra chương trình. Thông tin về chương trình được truyền thông chính thức trên website công ty, các phương tiện thông tin đại chúng và tại điểm bán hàng. Đối với các khách hàng trúng thưởng, công ty sẽ thông báo đến khách hàng qua thư, email hoặc trực tiếp gọi điện. Các giải thưởng có giá trị lớn sẽ được tổ chức trao giải, chụp ảnh và báo cáo đến các đơn vị quản lý. Tất cả các hoạt động tổ chức, trao thưởng đều được tiến hành đúng quy trình và tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn như FE CREDIT, công tác bảo mật dữ liệu khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu phát hiện có dấu hiệu, hành vi gian lận gây ảnh hưởng đến khách hàng, hoạt động kinh doanh và uy tín thương hiệu thì Trung tâm An ninh - đơn vị kiểm soát gian lận của FE CREDIT sẽ tiến hành rà soát nội bộ.
Người tiêu dùng cần làm gì để không bị mất tiền oan?
Nếu nhận được thông báo trúng thưởng, người tiêu dùng cần xác thực thông tin chương trình bằng cách liên hệ trực tiếp đến số hotline của đơn vị tổ chức trao thưởng, kiểm tra thông tin trên website chính thức của doanh nghiệp hoặc tìm hiểu Trực tiếp với nhân viên tư vấn mua sắm trả góp tại các trung tâm điện máy.
Nếu các thông tin về giải thưởng không trùng khớp với thông tin được niêm yết công khai trên website của các đơn vị bán hàng, ngân hàng hay công ty tài chính, khách hàng cần khai báo với cơ quan chức năng.
Trên hết, người tiêu dùng cần chủ động bảo mật thông tin cá nhân như CMND, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng… cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch điện tử và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân qua mạng xã hội nhằm tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Bình luận (0)