Xe

Cảnh giác với chủ nghĩa phát xít mới

08/05/2020 08:00 GMT+7

“ Vào 4 giờ sáng hôm nay, 22/6/1941…” Nhân loại sẽ nhớ mãi ngày này.

Bây giờ thì không còn Liên Xô nữa, nhưng chủ nghĩa phát xít vẫn chưa chết. Đây đó, chúng đang mọc dậy. Và nếu, trong tương lai, có một cường quốc nào đó muốn làm chủ nghĩa phát xít thực sự sống dậy, lúc ấy, nhân loại sẽ trông cậy vào đâu và vào ai ?
Người Việt Nam vốn nhạy cảm với cái ác, với bọn xâm lược, vì từ lịch sử xa xưa tới giờ, Việt Nam đã chịu quá nhiều bọn xâm lược, đã đối đầu bao lần trước cái ác, quá ác, và đã đổ ra biết bao xương máu. Hãy nhớ điều đó trước khi muốn nói những điều khác.
Với Liên Xô trong đại chiến thế giới II, phát xít Đức đã nói rõ, chúng muốn hủy diệt quốc gia này, không chỉ vì đây là “kẻ thù số Một” của chúng, mà còn vì chúng không muốn sống chung với chủng người Slave, giống như không muốn sống chung với người Do thái. Phát xít là quái vật, rõ ràng như thế rồi, dù chúng núp dưới bất cứ vỏ bọc nào, dù chúng trưng ra những viễn cảnh tươi đẹp với nhân loại tới đâu, một khi chúng trở thành bá chủ nhân loại.

Ngọn lửa vĩnh cữu tại Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh ở Moscow, thủ đô Nga

Tass

Và như thế, ngày 22 tháng 6 năm 1941, chúng ào ạt tấn công vào Liên Xô, là điều đã được dự báo trước.
Năm 1985, vào cuối tháng Năm, nhân được mời tham dự “Những ngày Việt Nam tại Liên Xô”, một đoàn nhỏ nhà văn Việt Nam gồm nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, và tôi, đã sang Liên Xô khi ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít Đức vừa qua được hơn mười ngày.
Không khí của đại lễ kỷ niệm này vẫn còn rất đậm nét ở những nơi đoàn chúng tôi tới viếng thăm. Khi tới Kiev, thủ đô Ukraina, chúng tôi lập tức tới thăm Bảo tàng chiến tranh tại thành phố này. Điều khiến tôi xúc động nhất khi bước vào Bảo tàng, là được nghe băng ghi âm phát lại bản tin của Đài phát thanh Moskva sáng ngày 22/6. Giọng đọc trầm tĩnh của phát thanh viên huyền thoại Youry Levitan vang lên thông báo quân phát xít Đức đã đột ngột tấn công Liên Xô:
"Tiếng nói từ Moskva. Người dân Xô viết chú ý. Chúng tôi đang truyền đi những thông tin từ Chính phủ. 4 giờ sáng hôm nay, quân đội Đức đã tiến vào nước ta mà không hề xin phép cũng như tuyên bố chiến tranh". Lời nói của Iury Levitan mở đầu cho những năm tháng khốc liệt nhất của “Cuộc chiến tranh thần thánh”, khi toàn dân Liên Xô chiến đấu một mất một còn, đơn độc chiến đấu trong mấy năm trời chống đội quân phát xít.

Cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm 1941

TASS

Đó là khi quân phát xít tiến tới gần cửa ngõ Moskva, một cuộc duyệt binh vẫn điềm tĩnh diễn ra trên Quảng trường Đỏ, và sau lễ diễu binh, những đoàn quân tham gia diễu binh vẫn giữ nguyên đội hình, cứ thế tiến ra chiến tuyến phòng thủ bảo vệ Thủ đô. Không có gì hùng vĩ và xúc động hơn giây phút đó, có cảm giác những người lính Hồng quân đã chấp nhận tất cả, sẵn sàng đương đầu với tất cả.
Bài hát bất tử “Cuộc chiến tranh thần thánh” đã vang lên trên sóng đài phát thanh Moskva chỉ ba ngày sau khi quân phát xít tấn công Liên Xô. Vì sao lại là cuộc “chiến tranh thần thánh” ? Vì đây không chỉ là cuộc chiến tranh Vệ quốc, đây còn là cuộc chiến tranh của Đức tin và cái Thiện chống lại Ngạ quỉ và cái Ác trên phạm vi toàn cầu. Hồng quân Liên xô nếu không thắng trong cuộc chiến này thì Ngạ quỉ và cái Ác sẽ phủ bóng trên toàn thế giới. Và những trại tập trung, lò thiêu xác sẽ mọc lên khắp 5 châu lục. Bóng đêm sẽ phủ trùm lên đời sống nhân loại.

Xe tăng và chiến sĩ Hồng quân tham gia một trận đánh ở Vòng cung Kursk

Trước khi liên quân Mỹ-Anh và Đồng minh mở chiến dịch tấn công vào nước Pháp nơi quân Đức chiếm đóng, mở đầu bằng cuộc đổ bộ vùng biển Normandie của nước Pháp vào tháng 6 năm 1944, thì cuộc chiến đấu quyết liệt và anh hùng của Hồng quân Liên Xô diễn ra ngay trên lãnh thổ Liên Xô đã có ba điểm nhấn, ba cột mốc lớn: đó là 900 ngày bị phong tỏa và quyết tử bảo vệ Leningrad, phá vòng vây phong tỏa năm 1941-1942, đó là cuộc chiến đấu kinh khủng “Trong những chiến hào Stalingrad” năm 1942, đó là cuộc đấu tăng “vĩ đại nhất thế giới” ở Vòng cung Kursk năm 1943. Chiến thắng ở cả ba điểm nhấn, ba cột mốc ấy, dù chịu những thiệt hại hết sức lớn, Hồng quân Liên Xô đã buộc quân Đức phải lui về thế phòng ngự và chống trả bị động.
Năm 2005, tôi đã có dịp đến thăm bãi biển Normandie, nơi quân Đồng minh đổ bộ giải phóng nước Pháp năm 1944. Tôi cũng đã viếng thăm Bảo tàng chiến tranh Normandie, tưởng niệm linh hồn hơn 6.000 lính Mỹ đã hy sinh trong trận tấn công từ biển vào, trong D-Day, ngày quyết định.

Chiến sĩ Hồng quân đứng bên các tù nhân vừa được giải phóng tại trại tập trung Auschwitz khét tiếng của Đức Quốc xã tại Ba Lan

Ảnh tư liệu

Trong trận chiến chống phát xít Đức, quân và dân Xô viết đã hy sinh, bị giết hại hơn 27 triệu người, một sự hy sinh mà nhân loại không thể quên, không được phép quên.
Và cùng sự hy sinh của những người lính Mỹ chiến đấu cùng Đồng minh trên mặt trận châu Âu, sự hy sinh ấy đã góp phần quan trọng giải phóng châu Âu khỏi tai họa phát xít.

Binh sĩ Hồng quân bắt tay binh sĩ Mỹ ở Torgau bên bờ sông Elbe

Ảnh tư liệu

Nếu không có “ngày định mệnh”, ngày 22 tháng 6 năm 1941, khi phát xít Đức tấn công vào Liên Xô, thế giới không biết sẽ về đâu ? Về đâu, hàng triệu người Do Thái vô tội, mà con đường duy nhất với họ dẫn tới những lò hơi ngạt. Kế hoạch diệt chủng của phát xít Đức ở tầm thế giới. Chủ nghĩa phát xít là như thế, dù ở bất cứ thời đại nào.
“Con người, hãy cảnh giác!”, lời kêu gọi và cảnh báo của nhà văn, nhà báo Julius Fučík, tác giả kiệt tác “Viết dưới giá treo cổ” vẫn còn nguyên giá trị cho tới hôm nay, tới ngày mai. Nhân loại, hãy cảnh giác với chủ nghĩa phát xít mới!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.