Tính chung 5 tháng giá tiêu dùng đã tăng 4,8%, tuy còn thấp hơn tốc độ tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước, nhưng mới qua 42% thời gian mà tốc độ tăng giá tiêu dùng đã bằng 74% mục tiêu cả năm. Nếu so với cùng kỳ, tính bình quân 5 tháng tăng 8,8%.
Cách đây gần nửa tháng, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, trả lời câu hỏi của các nhà báo liệu có khả năng giữ lạm phát ở mức dưới 6,5% không, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết: “Vấn đề này còn phụ thuộc vào tình hình thế giới biến động như thế nào, nhưng nhìn chung chúng ta có thể khống chế được”. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng đã nêu ra 3 biện pháp quyết liệt và đồng bộ về quản lý đầu vào, kiểm soát khâu phân phối lưu thông, sử dụng các biện pháp có tầm vĩ mô và nói thêm: riêng đối với mặt hàng nông sản, nếu có tăng giá cũng không đáng ngại vì làm lợi cho số đông.
Song nhiều chuyên gia đã cảnh báo cần phải cảnh giác với lạm phát.
Ở đầu vào, giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao. Năm 2004, giá nhập khẩu tăng rất cao: chỉ tính với các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, phân bón, chất dẻo, giấy, sợi, bông, do giá nhập khẩu tăng đã làm tăng khoảng 2,3 tỉ USD; 4 tháng đầu năm 2005, cũng với những mặt hàng trên (trừ bông), do giá nhập khẩu tăng so với cùng kỳ đã làm tăng trên 700 triệu USD. Tính ra VND, năm trước chi phí đầu vào đã tăng khoảng 36 nghìn tỉ đồng; 4 tháng đầu năm nay đã làm tăng trên 11 nghìn tỉ đồng. Đáng lưu ý, giá USD bắt đầu bước vào chu kỳ tăng, trong khi nhập khẩu và nhập siêu từ khu vực đồng USD lớn, nên nhập khẩu và nhập siêu khi tính ra VND còn bị đắt lên. Năm trước, để kiềm chế lạm phát dưới 10%, Nhà nước đã phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu, bù giá xăng dầu, sắt thép... với số tiền lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng (riêng xăng dầu khoảng 6 nghìn tỉ đồng). Trong những tháng đầu năm nay, Nhà nước cũng đã phải cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, thậm chí đối với mặt hàng xăng dầu - mặt hàng có liên quan đến đầu vào của nhiều sản phẩm - Nhà nước không dừng được đã phải tăng giá để chia sẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng gánh bớt. Chi phí đầu vào còn gia tăng do rét đậm, rét hại, hạn hán nặng, kéo dài trên diện rộng hiếm thấy...
Việc kiểm soát khâu phân phối lưu thông đối với hầu hết các mặt hàng lâu nay vốn đã chưa tốt do hệ thống phân phối lưu thông được hình thành một cách tự phát, dẫn đến lạm dụng hoặc “té nước theo mưa”, gây ra những tiêu cực không đáng có. Đã vậy, chi phí của doanh nghiệp còn phải “gồng mình” chịu các chi phí quá lớn về thuê mặt bằng, địa điểm sản xuất kinh doanh, lãi suất, rất nhiều khoản phí, lệ phí bất hợp lý, thậm chí cả bất hợp lệ... mà “sờ” vào đâu cũng có.
Các biện pháp có tầm vĩ mô năm nay được triển khai sớm hơn, như nâng lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, phát hành trái phiếu, công trái và gần đây các ngân hàng thương mại đã đồng loạt nâng lãi suất huy động... để hạn chế tiền ra lưu thông, kéo tiền từ lưu thông về. Tuy nhiên, nếu nâng lãi suất huy động thì trước sau sẽ phải tăng lãi suất cho vay, tiếp tục làm cho mặt bằng lãi suất vượt quá khả năng sinh lời của doanh nghiệp, trong khi theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê thì tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn còn thấp hơn lãi suất vay ngân hàng, thậm chí có loại còn thấp hơn cả tín dụng ưu đãi!
Điều quan trọng hơn là cung một số sản phẩm không tăng, thậm chí còn gặp khó khăn thì nhu cầu của người dân lại tăng lên, nhất là đường, thuốc, điện, nước, hàng đồ điện... Bước vào mùa hè mà hàng thực phẩm tươi sống không giảm giá, trái lại còn tăng, chủ yếu do nguồn cung gặp khó khăn do giá thức ăn quá cao, nhiều nông dân ngoại thành thậm chỉ cả ở vùng thuần nông trước đây chăn nuôi mạnh nay cũng giảm...
Không thể lơ là với lạm phát! Nước Mỹ rất sợ lạm phát, chỉ khi kinh tế suy thoái mới đẩy tiền ra để kích thích tăng trưởng, nhưng khi vừa có dấu hiệu lạm phát mới chỉ có 2,5% tính theo năm họ đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lạm phát ở Trung Quốc vừa mới xuất hiện và cũng chỉ ở mức dưới 4%, họ đã giảm đầu tư để giảm “nóng” cho tăng trưởng kinh tế và khuyến khích tiêu dùng.
Ngọc Minh
Bình luận