Cánh hoa đào mộng mị - Truyện ngắn của Nhụy Nguyên

Qua chiếc cầu bắc qua sông làng chừng nửa cây số mới đến chợ xép. Dạo trước ngày lũ nước sông còn dâng cao, chợ họp đến tối mịt vẫn còn nghe lao xao lãi lời.

Tôi và anh trai của con bạn gái hàng xóm nhô lên khỏi sông, nước nhỏ ròng ròng vẫn bước nhanh đến chợ mua miếng đường cục đen thui ăn như một phần thưởng cuối ngày. Con bạn gái đón anh trai mình và tôi ở chợ, bán những thứ mà hai chúng tôi kiếm được. Có tối tôi ăn cơm xong qua nhà thằng bạn, thấy em nó từ chợ vẫn chưa về, tự dưng cuống lên đi tìm, không hiểu sao. Khuôn mặt người con gái thôn quê không gợn lên suốt quãng thời gian lầm lũi kiếm ăn xứ người, thật lạ lại khiến tôi nhớ khi bàn chân vừa tụt khỏi xe ôm lấm bụi quê nhà. Vẫn cứ dặn lòng: đừng bao giờ để tôi thấy một cây đào nở rộ dịp xuân sang. Em và màu hồng của làn môi, của hoa đào rơi rụng, của xác pháo tan tành, tôi đã xóa sạch và ký ức cũng đã lụi tàn.
Trời hửng sáng. Mẹ ngạc nhiên đến nghẹn lòng đón đứa con xa về. Cây đào vẫn còn đó hồng thắm một góc vườn và phía dưới lả tả những cánh mỏng bâng khuâng giữa ngày cuối năm. Nó làm tôi nhớ đến xác pháo dưới chân người con gái ấy về nhà chồng cho tròn phận mỏng...
Tôi và anh trai của em vẫn thường bên nhau mỗi sáng sớm ngày nghỉ ra sông rải lưới và chiều tối ngụp lặn kiếm thêm tiền học phí. Tôi cũng không để ý nhiều lắm đến em, chắc hồi ấy hồn nhiên quá. Rồi có người dạm hỏi em, tôi mới ngỡ ngàng... Khuôn mặt em bỗng chốc rực một nỗi buồn, ám ảnh tôi trong suốt những tháng ngày quân ngũ. Làng chưa ai có điện thoại di động, liên lạc với nhau qua những lá thư nhuốm màu nắng gió thao trường. Mà không ai thông tin cho tôi biết rằng, theo ý nguyện quyết liệt của em, gia đình phải trả lễ trầu cau. Em vào Nam. Một mảng mờ nhòa. Nỗi hoài niệm giữa vô vàn cánh đào oằn oại dưới chân mình với xác pháo ngày vu quy âu chỉ là một dạng vọng tưởng xa xăm lạ lùng. Tôi khác xưa, khác lắm. Dường như sự nếm trải mùi đời cay đắng đã vùi lấp bao ký ức đẹp nơi nguồn tâm vẩn đục.
Chiếc túi xách nặng trĩu đặt xuống nền nhà. Cuốc bộ từ dưới chợ về, tôi cảm giác lâng lâng, tưởng đến một tiếng nổ và những đóa vô thường bung nở vào phút giao thừa thiêng liêng. Từ ngày ra quân, tôi không còn nhận được lá thư nào của người thân. Đôi khi nhớ đơn vị da diết. Nhớ cái hòm thư luôn hy vọng có tin em trong đó. Rồi cuộc đời xua đẩy, tôi thành một con người thật tức cười tức khóc với chính mình; lại ước có được ít ngày trở lại với môi trường quân ngũ.
Tôi co nắm đấm. Gượng. Chừng như có khuôn mặt vừa ló khiến thân tâm chùng lại. Hồi ấy tôi bày ra việc quấn pháo. Cả gia đình không hề tưởng đến một tiếng nổ lại mang về tai họa. Sau này hễ nghe tiếng pháo là tôi nhói đau... Nhớ những gì muốn quên. Những cuốn sách, cuốn vở cũ nằm bất cứ xó xỉnh nào trong nhà được lôi hết ra rọc thành miếng; tôi còn kiếm vỏ bì xi măng quấn những quả pháo lớn. Điều đáng quên nhất vẫn là bàn tay chưa một lần chạm vào người con gái bên kia bờ rào. Thường mỗi tết tôi cuốn những bánh pháo cỡ bằng ngón trỏ, pháo đại chêm vào từng đoạn. Trong xóm ai mua, đến giao thừa tôi nghe và nhận ra rất dễ.
Mẹ bưng lên ly nước chè đậm, tôi đứng ở cửa vừa uống vừa nhìn ra cây đào vẫn như đang từng khoảnh khắc bung nụ. Ra năm đào sẽ cho quả, vị ngọt chua. Thời điểm tôi rời nhà, làng chưa có cây đào nào lớn bằng, nên bây giờ nó trở thành của hiếm. Bờ tường cách gốc đào một mét, bên kia là nhà thằng bạn có đứa em gái tôi vừa sực nhớ, giờ em ra sao, còn ở nhà không?
Cánh hoa đào mộng mị - Truyện ngắn của Nhụy Nguyên1

Minh họa: Văn Nguyễn

Mẹ ngồi đun củi, tay trái cầm chuỗi tràng hạt vừa lần vừa niệm Phật. Tôi rất ngạc nhiên. Loáng thoáng lần nào đó trong điện thoại mẹ nói làng vừa có một ngôi chùa lớn, mẹ cũng hay lên tụng kinh. Khoảng ba năm qua, mẹ một mình lui cui trong bếp, ngôi nhà cũng trở nên rộng thênh. Tôi hiểu nếu không tụng kinh niệm Phật hẳn mẹ đã héo hắt, rồi cây đào ngoài kia đâu xanh mướt và hoa nở rộ đúng dịp xuân về.
Tự nhiên niềm hứng khởi về một những quả pháo vút lên bầu trời đêm tĩnh lặng nổ đoàng trỗi lên như một cơn nghiện u tối. Tôi giờ là một người khác, không nhút nhát e dè như xưa. Tôi tới mở chiếc túi, lôi áo quần quà cáp ra hết, đến lúc tay chạm vào quả pháo hoa loại không dễ kiếm. Phải giấu diếm mệt nhọc và cả lo âu tôi mới mang được nó về đây.
Châm thuốc, tôi ngả lưng trên giường mà hút. Rồi cánh tay xoài ra, thuốc tự cháy rơi tàn xuống nền nhà. Tiếng chó sủa, tiếng người lam nham. Mẹ tiếp khách, hình như là thằng bạn hàng xóm của tôi. Vẫn khuôn mặt gầy và dài. Thời điểm này tôi không phân biệt được mình mớ ngủ hay thức. Lúc thì thấy ngồi cùng bàn trò chuyện, lúc thấy vẫn nằm nguyên trên giường, rồi tự hỏi sao bạn lâu ngày gặp mặt lại mặc hắn ngồi trơ. Hắn uống ngụm nước chè xanh còn ấm nóng mẹ tôi om, cũng rít thuốc rất sâu, phả khói vào ánh nắng xuyên vào. Hắn than van công việc khổ, từ dạo ấy đến nay chẳng một lần được đón giao thừa, cứ phải chạy như điên như cuồng.
Tôi nhìn ra. Cây đào vẫn đó. Chẳng lẽ tôi nghĩ nó sẽ bị ai bứng đi. Đầu óc thật lạ, nhiều khi một ý nghĩ cực xấu từ đâu phóng lên để lại nỗi ân hận vô biên. Mẹ tôi đang nhẹ nhàng rửa những trái cam sợ rụng cuống để đặt lên bàn thờ. Tôi lại tự hỏi mình hái cam lúc nào? Mẹ không thể hái được những trái cam còn nguyên cuống từ trên cao thế kia được. Và ô kìa, gốc đào hoa rụng dày. Tôi bước ra nhìn lên. Rõ, cây đào vừa bị cưa một nhánh lớn. Ai? Sao tôi không hay gì trong lúc chưa bước khỏi nhà. Nhìn lại giếng, mẹ vào bếp rồi thì phải, như chưa từng có một bóng dáng vừa khoát nước rửa ráy ở đó. Nhánh đào bị cưa, sức lay động mạnh khiến hoa rụng ngút ngàn tan tác. Tôi lún chân giữa xác pháo ngày em về nhà chồng không thể nhấc nổi bước chân.
Hồi xưa lắm ấy tôi từng ước đến ngày cưới sẽ tự quấn bánh pháo thật kêu nổ đón dâu về. Niềm mong thành hư huyễn, không phải từ lâu lệnh cấm pháo ban hành mà ngay đến ý nghĩ tổ chức một lễ cưới cũng chừng như không còn tồn tại. Tôi chỉ cần tờ giấy kết hôn là đủ. Nhưng tiếng nổ đinh tai của tràng pháo ảo vọng còn vang. Và bây giờ tôi sẽ thức dậy niềm xúc cảm mơ hồ bằng những tiếng nổ trên không trong đêm giao thừa tĩnh mịch, sẽ châm ngòi mấy quả pháo hoa mua lậu ở vùng biên giới. Có một giao thừa năm nào tôi dạo quanh xóm, ngu ngơ sao lại bước vào nhà thằng bạn. Có lẽ khuôn mặt em giữa sân luyến tiếc giao thời đã hút tôi. Không lời chúc năm mới, tôi cứ ngồi như bức tượng ảo trước sự ngạc nhiên của em. Tôi cũng không nhớ cả năm đó gia đình em có gặp may mắn gì không.
Trường đoạn phim quay cảnh mẹ tôi và thằng bạn hàng xóm lại lướt qua đầu. Tôi nghe, em đã lấy chồng, tự cảm nghiệm thấy mình không dậy lên phản ứng. Lần nữa chứng tỏ hình bóng em vẻ như mờ nhạt. Tại sao trong lúc ăn cơm với mẹ, nhắc đến em bị bỏ rơi lại khiến tôi rung động. Em không dám bỏ về quê mà theo sắp xếp của anh trai, ở trọ tại một thành phố khác. Tưởng ngay chồng của em hiện ra trước mặt, tôi phốc dậy đấm một cú.
Về nhà sau bao thời gian xa quê đằng đẵng, tôi chưa dạo quanh xóm, muốn ở nhà luôn đến giao thừa. Sẽ không ai biết tôi ở nhà, kể cả em. Mẹ tôi cũng không biết những quả pháo của tôi mang thông điệp gì. Tôi sẽ né tránh không nghĩ tới hình ảnh người công an xã vốn quen biết từ nhỏ. Song tế nhị, tôi sẽ không bắn pháo theo chiều thẳng đứng. Phía sau nhà tôi là đường cái; phía trước nhà bên kia hàng rào là nhà phó công an xã. Phía bên phải là nhà một nữ tu tại gia, bạn của mẹ tôi (tôn trọng, tôi cũng sẽ không bắn pháo về phía đó); bên tay trái là gã trung niên ngầu đời. Gã từng vào Nam làm ăn thời gian dài, chưa biết sợ ai...
Tôi cảm nhận được: mọi ký ức không bao giờ mất đi, chỉ là khuất lấp đâu đó trong tiềm thức, và biết đâu sẽ tồn lưu đến những kiếp sau để rồi thôi thúc sinh mạng mới rẽ vào lối mòn dẫn từ quá khứ. Tôi cũng không hiểu một vài kỷ niệm cũ mèm với em, nó không hề được gợi lại lần nào, tưởng đã bốc hơi vào mịt mù không gian nay lại trỗi lên như một cơn choàng tỉnh giữa khoắt khuya. Đầu xuân năm nao tôi cùng em trốn tìm giữa bạt ngàn hoa cải. Cái gam màu vàng rộm nhức nhối khô chết trong sâu thẳm tâm thức bỗng bừng sáng, bỗng khiến tôi nhớ những cánh đồng cải ngồng thăm thẳm ngút ngàn...
Bàn thờ Phật của mẹ giản dị. Tượng phật, một ngọn đèn, hai lọ hoa tươi nhỏ nhắn, hai ly thủy tinh trong suốt mẹ thay nước mỗi sáng. Đêm cuối năm tôi ngồi xem thời sự, mẹ lặng lẽ thắp hương, lễ Phật rồi ngồi xếp bằng niệm Phật giữa ti vi phát ồn ào; đến lúc tiếng niệm chậm, rõ ràng từng chữ “A Di Đà Phật” lọt vào tai, tôi mới khẽ giật mình để bấm vô lum nhỏ lại; tiếng mẹ cũng lẫn vào u huyền của đêm. Rất lâu, đồng hồ gần điểm giao thừa. Quanh xóm râm ran tiếng người. Mẹ vẫn không mở mắt, khuôn mặt lặng phắc. Tôi bước ra sân.
Tôi ước sẽ bắn những quả pháo hoa phía sau bếp và mẹ không chứng kiến. Hồi hộp, lại nhìn đồng hồ. Đinh ninh nếu có quả pháo đâu đó tung lên, là lúc tôi cũng sẽ châm ngòi. Sửa lại thế đứng. Tim đập nhanh. Chập chờn bóng thằng bạn hàng xóm... và em. “Đùng!” Tôi như bị đánh bay ra...
Tiếng nổ khiến tôi choàng dậy. Vội ra hiên. Màn đêm điểm vài vì sao xa lắc, yên tĩnh. Và, kìa. Em đang bước vào, người lấm lem bóng tối song tôi nhận ra liền. Em một mạch vào bên gian thờ, thắp cây hương trầm ngước nhìn rất lâu tượng phật, rồi cúi gục trước một bức ảnh... Mẹ tôi và em cùng cầu nguyện.
Tết năm đó... xác quả pháo tươm muôn ngàn mảnh hồng đỏ như hoa đào xối xả giữa nền trời trắng nhức. Bao nhiêu năm rồi không nhớ. Nhưng hình ảnh về em thì vẫn trong veo. Trong veo cho đến cái ngày cuối năm ấy, tôi quấn một cái pháo bằng bắp chân. Tiết xuân mưa phùn. Thằng bạn hàng xóm - người anh trai của em đến rủ tôi đi chợ tết, nhưng tôi phải sấy pháo cho giòn. Tôi đặt pháo cối trên mẹt sấy trên bếp lò. Khoảnh khắc phân tâm, bếp bén lửa bốc lên khiến quả pháo phát nổ...
Tôi có lỗi. Tôi mang tội với em. Không thể gặp em nữa, tôi chỉ biết có vậy. Tôi muốn đi ngay khỏi thôn xóm và biệt xứ. Nhưng cũng là dịp tòng quân, tôi liền viết đơn tình nguyện, giấu mặt ở nhà người thân miền biển mà đợi...
Trên chuyến tốc hành rời quân ngũ buồn vui lẫn lộn, xe dừng lại bên đường và tôi thấy đôi tình nhân lội xuống vồng cải chụp hình; sao lúc đó không khiến tôi nhớ đến kỷ niệm với em thuở nào? Sao phải đến bây giờ hình ảnh quá vãng lật ngược để tôi đau đáu tiếc nghẹn khuôn mặt ửng vàng lấp ló dưới màu nắng tinh khôi chừng có thể hứng được như mật ong sóng sánh. Dáng em thấp thoáng ngoài cửa, đứng lại dưới gốc đào, tay bồng con nhìn xa xôi. Lại một đoạn phim khác lội qua trí não, tôi thấy em đẫm lệ hạnh phúc, và hoa đào tuôn theo gió lỡ xuân thì...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.