Cảnh sát đi xe đạp

13/03/2013 02:37 GMT+7

Thời gian gần đây, có khuynh hướng nhiều người bỏ xe máy, chuyển qua đi xe đạp. Đây là một khuynh hướng (hay trào lưu) xét về nhiều phương diện là rất có ý nghĩa: bảo vệ môi trường, tiết kiệm, giảm kẹt xe...

Tuy nhiên, người đi xe đạp cũng chịu nhiều hệ lụy rất... mắc cười.

Khi giá xăng tăng lần gần đây nhất, tôi lấy chiếc xe cũ của con trai đi từ hồi phổ thông đang treo trên gác làm kỷ niệm xuống đi. Lần đầu tiên sau nhiều năm đi lại xe đạp, có một cảm giác rất kỳ lạ, rất khó diễn đạt, trong đó cảm giác rõ nhất là thấy mình rất... tự do. Mỗi ngày đạp 5 km đến cơ quan, 5 km trở về nhà, đi lòng vòng đây đó, tính ra khoảng 20 km, thấy con người khỏe khoắn và phấn chấn
hẳn lên.

Ra đường đạp xe thấy mọi người nhìn mình rất thân thiện. Có lần chiếc xe rơi mất cái ốc vít chắn sên, nhiều bạn nam thanh nữ tú gần đó chạy ra gọi ơi ới, lượm vít, lấy đồ nghề trong xe máy ra giúp tôi vặn lại, rồi hỏi han thân mật lắm. Thấy vui.

Nhưng khi đi đến các cơ quan khác để làm việc (ở Đà Nẵng các cơ quan không xa nhau lắm mà đường lại rộng), bảo vệ nhìn tôi bằng con mắt khác thường, họ hoạnh họe đủ điều, hỏi hết cả trích ngang lý lịch, chìa đủ loại giấy tờ họ mới cho vào. Nhiều người còn tưởng tôi là ông hưu trí đi... kiện.

Đọc trên mạng, thấy nhiều thành phố lớn, người ta còn không cho gửi xe đạp chỉ vì chỉ còn chỗ gửi... xe máy, thấy mắc cười hơn.

Nhiều bạn trẻ khi bình luận chuyện này trên mạng cũng cho rằng, thời buổi tốc độ siêu nhanh như... email mà đi xe đạp thấy chẳng giống ai. Thậm chí khi nghe tin FPT khuyến khích nhân viên đi xe đạp nhiều người đã "ném đá" không thương tiếc.

Theo quan điểm cá nhân tôi thì phải căn cứ vào tính chất công việc, điều kiện từng người, từng vùng... mà áp dụng, không nên khiên cưỡng. Tóm lại, ai thấy điều kiện của mình có thể dùng xe đạp là đủ thì nên dùng. Và xã hội cũng nên nhìn nhận điều này theo khuynh hướng tích cực.

Từ đầu năm 2013 đến nay, có một hình ảnh làm tôi rất thích thú, đó là các cảnh sát khu vực phường Thanh Bình, quận Hải Châu (Đà Nẵng) đi thực thi nhiệm vụ của mình trong phường bằng... xe đạp. Nhìn, đã có ngay một cảm giác bình yên và gần gũi.

Cảnh sát khu vực với nhiệm vụ bám công việc, bám địa bàn, bám đối tượng... trong phạm vi mình phụ trách thì việc đi xe đạp là vô cùng hợp lý. Chính trung sĩ Lê Nhân cũng thấy điều này khi nói: "Từ khi đi xe đạp, tôi thấy công việc thuận lợi hơn, bà con trong khu vực rất ủng hộ và thể hiện thái độ chân tình hơn nhiều". Còn ông Mỹ, một người dân trong phường cụ thể hơn: "Cảnh sát khu vực thường đến nhà dân buổi trưa, buổi tối... Lúc đó mà đi xe máy vào từng ngõ thì ồn ào lắm".

Chỉ áp dụng chưa đầy 3 tháng, với 7 chiếc xe đạp mới sắm ban đầu, nhưng trung tá Huỳnh Kim Nhẫn, Trưởng công an phường Thanh Bình cũng đã đánh giá đây là một sự chuyển hướng đưa lại hiệu suất công tác cao, và theo ông, mô hình này nên nhân rộng ra toàn thành phố.

Được biết, lãnh đạo Công an thành phố Đà Nẵng cũng rất ủng hộ chủ trương này.

Trong nỗ lực làm đẹp hình ảnh của người cảnh sát (kể cả việc không đưa cảnh sát bụng béo ra đường), thì đây là biện pháp khả thi nhất.

Nó còn đẹp hơn khi chúng ta đang thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực.

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.