Trung úy Dũng đến thăm hỏi gia đình sĩ quan quân đội cao cấp về hưu - Ảnh: Mai Trâm |
“Bộ chú quên con rồi hả”
|
Chuyện xảy ra cách đây hơn 10 năm, khi đó trên địa bàn anh phụ trách có gia đình anh Tr. có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Hằng ngày, Tr. phải thức khuya dậy sớm chạy xe đạp ôm để nuôi vợ và 3 đứa con nhỏ. Do xe honda ôm ngày càng phát triển nên xe đạp ôm dần ít khách, gia đình anh rơi vào cảnh bữa đói, bữa no.
Để có đủ tiền đóng gạo, các con anh phải bỏ học, đi bán vé số phụ giúp gia đình. Biết được hoàn cảnh gia đình anh Tr. và không nỡ nhìn mấy đứa nhỏ bỏ học, anh Tám một mặt thường đến động viên vợ chồng anh Tr., mặt khác trực tiếp đến gặp lãnh đạo nhà trường để xin cho các cháu được tiếp tục đi học. Được nhà trường chấp thuận, anh Tám bỏ tiền túi ra mua sách vở, tập viết cho 3 cháu; đồng thời đứng ra vận động địa phương và những người hảo tâm đóng góp, giúp đỡ cho gia đình để các cháu yên tâm học tập. Không phụ lòng người cảnh sát khu vực (CSKV) đáng kính, các con anh Tr. đều cố gắng học giỏi, hằng năm đều có giấy khen của trường, có cháu còn là học sinh giỏi cấp quận.
“Sau đó, tôi được điều sang phường khác để tiếp tục làm CSKV. Cách đây vài năm, khi tôi đang tiếp dân tại công an phường thì có một thanh niên đến xin được gặp mặt. Vừa gặp tôi, cháu reo lên: bộ chú quên con rồi hả. Con là con của ông Tr. , ở khu vực 3 nè. Nhờ chú giúp đỡ tận tình mà anh em con mới được tiếp tục đi học. Ơn của chú anh em con không bao giờ quên. Hôm nay con ghé đây để mời chú đến dự buổi lễ tốt nghiệp đại học của con. Anh em con xem chú như cha vậy. Chú ráng tranh thủ đến dự với con nhe. Tôi lặng người, rơi nước mắt khi nghe cháu nói”, trung tá Tám kể.
Dùng “tửu kế”
2006, thượng úy Trần Quốc Truyền được phân công về làm CSKV ở khu vực 2, P.Trà Nóc (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Đây được xem là một địa bàn phức tạp, với hơn 1.000 công nhân là người tứ xứ đến tạm trú để làm việc tại khu công nghiệp Trà Nóc.
Khi được hỏi về những chuyện vui buồn của CSKV, thượng úy Truyền cười bảo: “Tất tật mọi việc, từ chuyện vận động, cảm hóa các đối tượng có tiền án tiền sự, xì ke ma túy, vận động giúp đỡ gia đình khó khăn cho đến những chuyện bất hòa trong cuộc sống hằng ngày như hàng xóm tranh chấp cái hàng rào, chồng nhậu nhẹt về cãi vã, đánh đập vợ con… người dân đều gọi tới mình. Có dạo, suốt cả tháng trời không hôm nào tôi được ăn cơm với vợ con”. Rồi anh kể tiếp: “Ngoài thời gian làm việc, phải đi dự đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, ma chay, cưới hỏi… Người dân quý mình nên mời, không đến dự coi sao đặng? Mà đi dự tiệc thì phải có quà cáp hoặc phong bì cho có lễ nghĩa, đi riết rồi tiền lương hết sạch, không có tiền đưa cho vợ đi chợ nữa. Dần dà, nhiều người trong khu vực biết tình cảnh nên trước khi mời nói rõ không được mang quà cáp đến, chỉ cần góp mặt là vui rồi. Thậm chí, có người còn bỏ vào thư mời vài ba trăm ngàn để mình đi dự đám cảm thấy… đỡ quê”.
Mới đây, trong địa bàn anh phụ trách lại có chuyện khó xử. Tối nào gia đình ông T.V. T (45 tuổi) cũng “xào xáo”, làm phiền lòng hàng xóm. Nhiều lần đại diện các đoàn thể đến tìm hiểu, hòa giải, nhưng đâu cũng vào đấy. Sau khi tìm hiểu, anh Truyền quyết định đến rủ ông T. ra quán nhậu làm vài “xị” để tâm sự. Sau vài ly, ông T. đã trút hết bầu tâm sự, nói rằng không hiểu sao thời gian gần đây, mỗi khi ông đi nhậu về thì bà vợ bỏ vào ngủ chung với con, không muốn “gần” ông nữa, mặc dù bà biết ông rất muốn “tâm sự”. Lâu ngày dài tháng nên ông sinh ra “bực bội” mới kiếm chuyện cãi nhau...
Biết được nguyên cớ, hôm sau, anh Truyền nhờ một chị ở hội phụ nữ gặp riêng vợ ông T. để làm “công tác tư tưởng”. Sau đó, vợ chồng ông T. hết cãi vã, riêng ông T. đã vui vẻ trở lại và mỗi khi gặp anh Truyền, ông thường nở nụ cười như thầm cám ơn người CSKV tâm lý của mình.
Mai Trâm
>> Cảnh sát khu vực kể chuyện: ‘Quan tòa’ khu phố
>> Cảnh sát khu vực kể chuyện - Kỳ 2: Phá 'án vặt' không dễ
>> Cảnh sát khu vực kể chuyện - Kỳ 3: Làm dâu trăm họ
>> Cảnh sát khu vực kể chuyện - Kỳ 4: Hăm con nít hư, khuyên người lớn dại
Bình luận (0)